Một số tin tức, sự kiện nổi bật tại công ty Sunjin, tình hình xuất khẩu Tôm trong quý 1 năm 2023 & chuyên mục kỹ thuật: Bệnh đỏ thân – đốm trắng (WSSV) trên tôm

TIN TỨC SUNJIN

Số E04 – 04/2023

Tin tức, sự kiện nổi bật

            Trong tháng 3, một số nhân viên của công ty Sunjin đã có chuyến công tác tại Thái Lan kết hợp với việc tham quan, giao lưu, học hỏi tại một số đơn vị như trường Đại học Chulalongkorn, Viện Công Nghệ Châu Á – Asian Institute of Technology (AIT) và Trung tâm Công nghệ Sinh học Tôm thuộc Đại học Mahidol. Đây là cơ hội để Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới Thủy sản nói riêng và công ty Sunjin nói chung có thể hợp tác với các trường Đại học, Viện nghiên cứu để nâng cao kiến thức, kỹ thuật chuyên môn về nuôi trồng Thủy sản cho đội ngũ nhân viên kỹ thuật của công ty, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho người nuôi tôm trong việc phòng và trị bệnh để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khoa và phòng thí nghiệm Cá & Bệnh truyền nhiễm CE, Đại học Chulalongkorn

Thăm Viện Công nghệ Châu Á – Asian Institute of Technology và Trung tâm Công nghệ Sinh học Tôm thuộc Đại học Mahidol

            Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham quan và trao đổi kinh nghiệm với một số trại sản xuất tôm giống, trại nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, công ty sản xuất Artemia và nhà máy chế biến ở tỉnh Chachoengsao, Thái Lan.

Một số hình ảnh hoạt động tại công ty Sunjin

Tình hình xuất khẩu Tôm trong quý 1 năm 2023

            Tháng 3/2022, xuất khẩu thủy sản ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vẫn giảm 8 – 39%. Trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt hơn 240 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước và tăng 16% so với tháng 2 năm nay.

                Nguồn biểu đồ: Sunjin Aqua – marketing team

Giá trị xuất khẩu tôm qua các năm 2020 – 2023

            Tính đến hết quý I, xuất khẩu tôm ước đạt 577 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ. Theo Vasep, ngành tôm sẽ phục hồi chậm do sự canh tranh gay gắt từ các nước Ấn Độ, Ecuador, Indonesia.

            Có thể thấy, xuất khẩu Thủy sản nói chung và xuất khẩu tôm nói riêng khá trầm lắng trong giai đoạn đầu năm do tác động từ nhiều yếu tố như lạm phát, căng thẳng chính trị làm nhập khẩu giảm và chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu tăng cao. Hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao. Ngành nuôi trồng thủy sản đang loay hoay với bài toán giá thành và năng lực cạnh tranh. Cụ thể như, giá nguyên liệu tôm của Việt Nam đang cao hơn 20-30% so với giá tôm cùng loại của Ấn độ và Ecuador. Chưa nói đến các yếu tố môi trường, dịch bệnh cũng ảnh hưởng rất lớn đến người nuôi. Vì vậy, người nuôi cần đặc biệt cận trọng từ những khâu ban đầu như lựa chọn thời điểm thả nuôi, con giống, cải tạo ao….để hạn chế tối đa nhưng tác động từ yếu tố môi trường bất lợi, dịch bệnh và tranh thủ được những thời điểm giá tốt để có một vụ mùa bội thu.

Chuyên mục kỹ thuật: Bệnh đỏ thân – đốm trắng (WSSV) trên tôm

            Dấu hiệu ban đầu của bệnh đỏ/hồng thân sẽ đánh lừa nhiều bà con, là tôm ăn mạnh và ăn rất bình thường. Có một số con tôm chết sẽ nổi lên và tấp mé, đàn còn lại vẫn ăn bình thường. Tình trạng này sẽ kéo dài như vậy đến ngày thứ 3 hoặc thứ 4 thì đàn tôm bắt đầu bỏ ăn, chết đồng loạt. Tôm có thể chết 100% chỉ sau 5-7 ngày nhiễm bệnh. Các Nguyên Nhân Gây Bệnh Hồng/Đỏ Thân Trên Tôm Thẻ Và Tôm Sú:

  • Nguyên Nhân 1: Virus WSSV (White spot syndrome virus) là nguyên nhân chính gây bệnh đỏ thân trên tôm thẻ chân trắng và tôm sú.
  • Nguyên Nhân 2: Nhóm vi khuẩn Vibrio spp. tuy không là nguyên nhân chính gây bệnh nhưng chúng tác động khiến dịch bệnh bùng phát nhanh chóng.
  • Nguyên Nhân 3: Môi trường nước ao nuôi không đảm bảo, chất hữu cơ nhiều, nổi bọt, khí độc cao, … sức đề kháng tôm giảm tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn tấn công nhanh hơn.
  • Nguyên Nhân 4: Giáp xác, cá tạp trong ao thường mang mầm bệnh. Khi gặp điều kiện thời tiết hoặc môi trường nước thích hợp sẽ bùng phát trên diện rộng.

1. Bệnh Đốm Trắng: Có 3 trường hợp đốm trắng trên tôm có dấu hiệu bên ngoài rất giống nhau:

  • Do Virus WSSV (White spot syndrome virus) gây ra
  • Do vi khuẩn gây hội chứng đốm trắng (Bacterial White Spot Syndrome – BWSS)
  • Do môi trường khi độ cứng (Ca2+ và Mg2+) của nước cao, trên vỏ xuất hiện những đốm trắng. 

a Tôm bệnh đốm trắng do virus:  đốm trắng xuất hiện bên trong giáp vỏ đầu ngực, đốt bụng thứ 5, 6 và sau đó lan toàn thân. Tôm bệnh hoạt động kém, ăn nhiều đột ngột sau đó bỏ ăn, bơi lờ đờ ở mặt nước hay dạt vào bờ ao. Đôi khi tôm có thêm dấu hiệu đỏ thân. Khi các đốm trắng xuất hiện sau 3-10 ngày tôm chết hầu hết trong ao nuôi (100%). Kết quả xét nghiệm PCR, RT-PCR dương tính với  bệnh đốm trắng (WSSV).

Tôm thẻ chân trắng nhiễm virus đốm trắng WSSV

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh đốm trắng do virus WSSV gây ra, nếu ao tôm bệnh do virus WSSV thì chỉ có cách thu sớm, nếu tôm còn nhỏ thì chấp nhận bỏ vụ nuôi. Ao đã bị bệnh đỏ thân đốm trắng không vội vàng thả nuôi vụ mới, cho ngưng vụ hoặc thả cá rô phi nhằm loại bỏ ký chủ trung gian mang mầm bệnh, tránh mầm bệnh từ vụ này lây qua vụ sau.

Tôm bệnh đốm trắng do virus WSSV (Wang et al., 2000). Soi mẫu tươi dưới kính hiển vi đốm trắng cho thấy có viền tròn bao quanh (mũi tên to, rỗng), chính giữa có nhiều đốm đen

Trước khi thả lại ao phải xử lý kỹ hơn, diệt cá tạp – những ký chủ mang mầm bệnh, diệt khuẩn toàn bộ ao bằng Chlorin. Ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân chuyên chở mầm bệnh như các loài giáp xác hoang dã như cua còng, các loài chim bằng cách làm hàng rào xung quanh ao nuôi và giăng lưới ngăn các loài chim.

b Tôm bệnh đốm trắng do vi khuẩn: các đốm trắng mất đi sau các lần tôm lột xác, không có hiện tượng tôm chết hàng loạt. Soi mẫu tươi dưới kính hiển vi đốm trắng có dạng lan tỏa hình địa y với viền kiểu gờ khía tròn ở giữa rỗng, trong khi đó đốm trắng do virus có nhiều đốm đen (melanin) ở giữa. Kết quả xét nghiệm PCR âm tính với WSSV.

Tôm bệnh đốm trắng do vi khuẩn (Wang et al., 2000). Soi mẫu tươi dưới kính hiển vi đốm trắng có dạng lan tỏa hình địa y với viền kiểu gờ khía tròn ở giữa rỗng

Tôm thẻ chân trắng bị bệnh đốm trắng do vi khuẩn

c  Tôm bệnh đốm trắng do môi trường nước có độ cứng  cao, trên vỏ xuất hiện những đốm trắng: đốm trắng ở vỏ đầu ngực hoặc phần vỏ ở sống lưng nhưng vẫn khoẻ mạnh, không có tôm tấp bờ, đàn tôm vẫn hoạt động và ăn đều ở mức bình thường. Kết quả xét nghiệm PCR âm tính với WSSV.

2. Nguyên nhân từ vi khuẩn Vibrio

Vibrio spp. vi khuẩn gram âm, vi khuẩn cơ hội khi tôm sốc do môi trường biến đổi xấu hoặc bị nhiễm các bệnh khác như virus, nấm, ký sinh trùng, … sức đề kháng suy giảm, Vibrio bùng phát mạnh mẽ và tấn công gây bệnh cho tôm. Ngoài bệnh đỏ thân, Vibrio còn là nguyên nhân gây ra bệnh phát sáng, hoại tử gan tụy gây chứng tôm chết sớm, bệnh phân trắng, rụng râu, gãy càng,…

3. Nguyên nhân từ môi trường ô nhiễm đáy ao nhiều mùn bã hữu cơ, khí độc cao …

Ao cần phải xử lý môi trường: không nước lấy trực tiếp mà phải được lắng lọc, dùng hóa chất diệt khuẩn đều khắp ao nuôi với liều lượng hướng dẫn. Xi phông đáy ao và thay nước mới. Dùng các chất có tác dụng cấp cứu cho tôm và hấp thu khí độc trong ao, phân hủy chất hữu cơ dư thừa. Tăng sức để kháng cho tôm trong thời gian tôm bị bệnh. Dùng vi sinh liều cao để kiểm soát môi trường, xử lý mùn bã hữu cơ, ức chế vi khuẩn Vibrio.

Bệnh đỏ thân là bệnh nguy hiểm vì lây lan nhanh và khiến tôm chết đồng loạt dễ làm bà con trở tay không kịp, do đó cần quan sát kỹ ao mỗi ngày và phòng ngừa bệnh ngay từ khi bắt đầu vụ mới. Việc xử lý sạch môi trường nước không chỉ giúp phòng bệnh đỏ thân mà còn phòng các bệnh khác như đốm trắng, chết sớm, gan tụy, đường ruột, …

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới Thủy sản – AIC (Sunjin)

Related Products 1

See all
Super One

Super One

Contact
Super One

Super One

Contact
Super One

Super One

Contact
Super One

Super One

Contact
Super One

Super One

Contact
Super One

Super One

Contact