Tổng quan ngành Thủy sản Việt Nam năm 2024
Năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 5.721,6 nghìn tấn, tăng 4,0% so với năm trước. Về khai thác, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 3.825,4 nghìn tấn, tăng 0,3% so với năm trước.
Sản lượng thủy sản năm 2024
Nguồn: Báo cáo kinh tế – xã hội quý VI, TCTK
Nuôi tôm nước lợ chuyển đổi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng và giá tôm thẻ chân trắng liên tục tăng những tháng cuối năm nên người dân mạnh dạn thả nuôi . Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ ước đạt 737 nghìn ha (trong đó diện tích tôm sú 622 nghìn ha và diện tích tôm chân trắng 115 nghìn ha), với sản lượng đạt 1.264,3 nghìn tấn, tăng 5,3% so với năm 2023 (trong đó sản lượng tôm sú 283,9 nghìn tấn, tăng 3,2% và tôm chân trắng 980,4 nghìn tấn, tăng 6%). Dự kiến, năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ sẽ đạt 750.000 ha, tăng 1,8% so với năm 2024, và sản lượng đạt 1.290 nghìn tấn, tăng 2% so với năm trước đó.
Nguồn biểu đồ: Sunjin Aqua – Marketing
Về xuất khẩu, tối 23/12/2024, tại tp HCM, Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản việt nam (VASEP) tổ chức “Lễ Mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024”, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025. Năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng – 10 tỷ USD, gồm: tôm đạt 4 tỷ USD; cá tra 2 tỷ USD; cá ngừ 1 tỷ USD; cá khác 1,9 tỷ USD; mực, bạch tuộc 662 triệu USD; cua ghẹ và giáp xác khác 335 triệu USD; nhuyễn thể có vỏ 215 triệu USD; nhuyễn thể khác 14,5 triệu USD. Đây là một kết quả đáng tự hào trong thành tích chung của cả ngành nông nghiệp Việt Nam.
Các sản phẩm thủy sản Việt Nam hiện diện tại hơn 170 quốc gia, chiếm lĩnh các thị trường khó tính nhờ vào chất lượng vượt trội. Các sản phẩm trụ cột như tôm, cá tra, cá ngừ đều duy trì sự tăng trưởng ổn định và bứt phá vào cuối năm. Lạm phát vẫn chi phối nhu cầu tiêu thụ tôm ở các thị trường, cạnh tranh vẫn căng thẳng từ các nước khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Trong khi đó, thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ, liên tục có những rào cản thuế quan như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp. Trong bối cảnh đó, ngành tôm việt vẫn vững vàng tiến tới cột mốc xuất khẩu gần 4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023. Nhờ sự kiên định, mở rộng nuôi tôm hướng tới mô hình đầu tư chi phí thấp, năng suất cao, dễ vận hành và giá thành thấp, đồng thời đa dạng phân khúc sản phẩm từ tôm tươi, sống, đông lạnh, chế biến, từ tôm thẻ, tôm sú, tôm hùm đến tôm biển.
Có được thành tích xuất khẩu ấn tượng trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức, phải kể đến sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói chung. Sự hỗ trợ, hợp tác của chính phủ, bộ ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó cũng là thành quả của sự nỗ lực của cả cộng đồng ngành thủy sản, cùng đồng hành vượt khó sau bão lũ, thiên tai, tăng cường xúc tác thương mại, mở rộng thị trường.
Theo VASEP, mặc dù kết quả xuất khẩu thủy sản năm 2024 là ấn tượng, ngành thủy sản Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng và bất định. Một trong những vấn đề nổi bật mà thiết nghĩ chúng ta cần xem xét. Đó là 5-6 năm qua, kết quả xuất xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng chỉ cầm chừng 8-10 tỷ USD/năm – ngoại trừ 2022, trong khi chiến lược phát triển ngành đến 2030 (ban hành theo QĐ 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021) với kết quả mục tiêu mong muốn là 14-16 tỷ USD/2030. Tức là phải giữ được tốc độ tăng trưởng 2 con số (10-15%/năm). Nhìn từ góc độ tăng trưởng của ngành Rau quả, đặc biệt là trái Sầu riêng. Cảm giác là xuất khẩu thủy sản cần có động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh thế giới quá nhiều bất định, thay đổi nhanh trong kỷ nguyên số. Dự báo tăng trưởng tiêu thụ thủy sản toàn cầu chỉ đạt mức 5-6%/năm trong khi ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 2 con số trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu này, ngành không chỉ cố gắng giữ vững thị phần, tăng hàm lượng chế biến GTGT mà ngành cần nghiên cứu để có một mô hình tăng trưởng mới phù hợp.
Năm 2025, xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn có thể vượt mốc 10 tỷ USD trở lại mốc 11 tỷ USD của năm 2022. Tuy nhiên, năm 2025 cũng là năm ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với không ít cơ hội và thách thức. Về cơ hội, chúng ta thấy kinh tế đang hồi phục, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu có chiều hướng tích cực hơn, Bên cạnh đó, chúng ta cũng có các hiệp định thương mại tự do (FTA), xu hướng chuyển dịch sang xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng và chính sách thuế mới từ Mỹ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đối mặt với các thách thức từ biến đổi khí hậu, sự canh tranh đang gia tăng giữa các các quốc gia và các cuộc chiến tranh thương mại.
Nhãn
Tin tức liên quan
23 tháng 12 2024
BẢN TIN THỦY SẢN SỐ E12-12/2024
03 tháng 12 2024