Tổng quan tình hình nuôi nuôi tôm năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 & chuyên mục kĩ thuật – Bệnh DECAPOD INFIDESCENT VIRUS 1 (DIV1: bệnh “Đầu trắng”) trên tôm nuôi.
TIN TỨC SUNJIN
Số E03 – 03/2023
Tổng quan tình hình nuôi tôm năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023
Năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 9.026,3 nghìn tấn, tăng 2,7% so với năm trước; bao gồm: Cá đạt 6.483,9 nghìn tấn, tăng 2,1%; tôm đạt 1.233,5 nghìn tấn, tăng 7,2%; thủy sản khác đạt 1.308,9 nghìn tấn, tăng 1,3%. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 5.163,7 nghìn tấn, tăng 6,3% so với năm trước, bao gồm: Cá đạt 3.494,3 nghìn tấn, tăng 5,8%; tôm đạt 1.080,6 nghìn tấn, tăng 8,5%; thủy sản khác đạt 588,8 nghìn tấn, tăng 5,3%.
Nguồn: báo cáo kinh tế – xã hội quý IV/2022
Sản lượng thủy sản năm 2022 (So với năm 2021)
Nói riêng về tôm, năm 2022, sản lượng tôm thẻ chân ước đạt 743,5 nghìn tấn, tăng 11,6% so với năm 2021. Sản lượng tôm sú ước đạt 271,4 nghìn tấn, tăng 1,9% so với năm trước. Sản lượng tôm nước lợ tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm do mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao, chế biến và xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm do vùng nước lợ ven biển Đồng bằng sông Cửu Long ngọt sớm hơn đã gây khó khăn cho việc nuôi tôm. Bên cạnh đó, rủi ro do dịch bệnh nên người nuôi vẫn đang thả nuôi cầm chừng. Hoạt động chế biến và thu mua tôm chững lại do tình hình lạm phát toàn cầu làm cho sức tiêu thụ giảm, tôm Việt Nam cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ của Ecuador, Ấn Ðộ.
Nguồn: Sunjin Aqua – MKT
Sản lượng tôm nuôi năm 2021 – 2022 & cơ cấu tôm nuôi năm 2022
Đầu năm 2023, Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng 2 ước đạt 332,2 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 237,2 nghìn tấn, tăng 2,5%; tôm đạt 51,6 nghìn tấn, tăng 0,4%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 665,9 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 479,6 nghìn tấn, tăng 3,3%; tôm đạt 100,4 nghìn tấn, tăng 0,7%; thủy sản khác đạt 85,9 nghìn tấn, tăng 2,9%. Trong đó, sản lượng tôm thẻ chân trắng trong tháng 2 ước đạt 31,4 nghìn tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 15,7 nghìn tấn, tăng 1,3%. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 60,2 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 31,3 nghìn tấn, tăng 0,3% (còn lại là các loài tôm khác).
Nguồn: Sunjin Aqua – MKT
Sản lượng tôm nuôi Việt Nam năm 2022 – 2023 & cơ cấu tôm nuôi năm 2023
Nuôi tôm đang trong giai đoạn chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng, nhiều nơi người nuôi tôm tập trung cải tạo, tu sửa ao hồ và chú trọng đến chất lượng con giống nên hạn chế dịch bệnh.
Về tình hình xuất khẩu tôm, tháng 1 xuất khẩu tôm giảm mạnh so với tháng 12/2022, cụ thể đạt 141 triệu USD giảm hơn 50% so với cùng kì năm trước. Xuất khẩu giảm do tháng 1 trùng vào thời gian Tết Nguyên đán, nhu cầu thị trường nhập khẩu sụt giảm do lạm phát. Tuy nhiên giá tôm thẻ và tôm sú thời điểm hiện tại đang tăng vì khan hiếm nguồn tôm nguyên liệu từ cuối năm trước do tác động bất lợi của thời tiết và môi trường gây khó khăn cho nuôi tôm.
Nguồn số liệu: được thống kê từ báo cáo kinh tế – xã hội của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn qua từng tháng)
Chuyên mục kĩ thuật – Bệnh DECAPOD INFIDESCENT VIRUS 1 (DIV1: bệnh “Đầu trắng”) trên tôm nuôi
Decapod Iridescent Virus 1 hay DIV1(bệnh “đầu trắng”) là một loại virus lạ trên tôm, lây lan nhanh tại trang trại nuôi tôm ở trung tâm nuôi tôm thuộc Quảng Đông (Trung Quốc), làm tôm nuôi chết hàng loạt trong vòng vài ngày.
Tôm bị nhiễm mạnh vào mùa đông. Tác động của bệnh sẽ nghiêm trọng hơn khi tôm bị bội nhiễm với vi khuẩn vibrio, trong ao có tảo bùng phát mạnh hoặc trời mưa kéo dài. Tôm ít bị nhiễm vào mùa hè, mùa thu, nhất là khi nhiệt độ trên 300C. Virus lây nhiễm cho tôm ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng (postlarvae, tôm nhỡ và tôm trưởng thành).
Vì đây là dịch bệnh mới, nguồn gốc của virus và cách thức lây truyền vẫn chưa rõ ràng, tạm thời không có phương án điều trị nên dịch bệnh có thể lan rộng nếu không có sự quan tâm đúng mức. Do đó cần phải thực hiện nghiêm các hoạt động phòng và tránh dịch bệnh trước và trong mỗi vụ nuôi.
P. vannamei khỏe mạnh (Control group) và tôm bị bệnh do DIV1 (Challenge group) nhạt màu, ruột rỗng, gan nhạt màu (Qiu, 2017)
Tác nhân gây bệnh và tên bệnh: Virus thuộc loại DNA, một thành viên mới trong họ Iridoviridae, phân họ Betairidovirinae, chi Decapodiridovirus được đặt tên là decapod iridescent virus1(DIV1). Virus DIV1 tấn công vào tế bào máu trong mang, gan tụy và cơ của tôm. Khi tôm bị nhiễm DIV1, tôm chìm xuống đáy ao, mềm vỏ và chuyển màu đỏ nhạt, dạ dày và ruột rỗng, bề mặt và mặt cắt gan tụy nhạt màu.
Chẩn đoán trong phòng thí nghiệm: bằng phương pháp sinh học phân tử để khẳng định có mặt của vi rút DIV1.
Dấu hiệu bệnh lý:
+ Triệu chứng chung: Tôm nhiễm bệnh bơi lờ đờ, mất khả năng bơi lội, ở giai đoạn cuối tôm thường chìm xuống đáy và chết, tôm chết hàng ngày, tỷ lệ chết gấp hai lần so với virus gây đốm trắng (WSSV).
+ Đối với tôm thẻ chân trắng: dấu hiệu tôm bị nhiễm DIV1 không điển hình bao gồm các dấu hiệu: cơ thể có màu hơi đỏ, gan tụy teo và nhạt màu, dạ dày và ruột rỗng, mềm vỏ đục cơ. Tôm bị bệnh nhiễm bệnh DIV1 không có triệu chứng, bệnh tích điển hình và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác
+ Đối với tôm càng xanh M. rosenbergii: Tôm bị bệnh DIV1 dấu hiệu điển hình là có một một vùng đặc trưng hình tam giác màu trắng bên trong phần giáp đầu ngực (dưới chủy đầu) nên gọi là bệnh “đầu trắng”. Do vậy, có thể sử dụng tôm càng xanh như một loài chỉ thị trong trường hợp nghi ngờ có bệnh do DIV1 xuất hiện.
Triệu chứng lâm của tôm càng xanh bị nhiễm tự nhiên với DIV1.
(A) Hình dáng tổng thể một con tôm bị bệnh trong nước. (B) Cận cảnh đầu ngực: Mũi tên màu xanh cho thấy khu vực màu trắng dưới lớp biểu bì. Mũi tên trắng biểu thị teo gan, phai màu và vàng.
Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại Việt nam
Bệnh do DIV1 đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin để phòng bệnh.
Để phòng, chống dịch bệnh, các địa phương và đơn vị thực hiện các biện pháp tổng hợp theo quy định tại Thông tư 04/2016/TT-Bộ NNPTNT và một số nội dung chính sau đây:
Phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở sản xuất tôm giống
– Kiểm soát chặt tôm giống, tôm bố mẹ nhập khẩu từ quốc gia, vùng lãnh thổ có virus DIV1. Đối với tôm giống (Postlarvae) lấy mẫu để xét nghiệm bệnh DIV1, đảm bảo tôm không bị nhiễm DIV1 trước khi xuất bán và thực hiện kiểm dịch theo quy định.
– Tổ chức xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Đối với nguồn thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ phải kiểm soát chặt, xây dựng phương pháp xử lý đảm bảo tiêu diệt DIV1 trước khi sử dụng.
– Đối với nguồn nước nuôi: Xây dựng quy trình khử trùng nước nuôi để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh (trong đó có DIV1) trước khi đưa vào sử dụng.
– Đối với công cụ, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, người ra vào trại: Phải có quy trình vệ sinh, khử trùng tiêu độc, bảo đảm hiệu quả khử trùng (bảo hộ, hố khử trùng, khử trùng định kỳ, …).
– Xử lý ổ dịch phải đảm bảo: Toàn bộ dụng cụ, phương tiện chứa đựng, vận chuyển, bể nuôi, … phải được khử trùng bằng chất sát trùng và phương pháp phù hợp; nước trong ao bệnh phải được xử lý bằng Chlorine nồng độ 30 ppm, ngâm trong 7 ngày trước khi xả ra ngoài môi trường; các chất cặn bã, bùn đáy ao, … trong quá trình nuôi phải được thu gom và xử lý tại khu vực riêng (ngoài khu vực sản xuất).
b) Phòng chống dịch bệnh tại cơ sở nuôi tôm thương phẩm
– Xử lý ao sau mỗi vụ nuôi: Toàn bộ bùn đáy ao, chất thải trong quá trình nuôi phải được thu gom, đưa ra ngoài khu vực nuôi để phơi khô. Đáy ao đất sau mỗi vụ nuôi phải được phơi khô nứt chân chim (đối với ao không nhiễm phèn). Đối với ao phủ bạt, rửa sạch bằng nước ngọt, phơi khô và khử trùng bằng nước vôi hoặc hóa chất.
– Cải tạo đáy ao: sử dụng vôi bột (CaO) rắc đều một lớp dưới đáy ao, sau đó cho nước vào ngâm, duy trì độ pH khoảng 11-12 (để tiêu diệt DIV1 còn sót lại trong đáy ao) trong khoảng 5 ngày trước khi điều chỉnh lại pH ao nuôi cho phù hợp với con tôm.
– Xử lý nước ao nuôi: lấy nước qua hệ thống túi lọc để loại bỏ một số loài trung gian truyền bệnh cũng như ngăn chặn các loài thủy sản khác xâm nhập vào cơ sở. Nước trong ao xử lý/ chứa lắng phải được khử trùng bằng Chlorine nồng độ từ 15-30ppm
– Con giống: Chọn con giống khỏe mạnh, đã được kiểm dịch. Khuyến cáo người nuôi tuân thủ lịch thả giống theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.
– Trong quá trình nuôi: chỉ sử dụng thức ăn tươi sống có nguồn gốc rõ ràng hoặc đã được xét nghiệm bệnh do DIV1 trước khi sử dụng; đồng thời áp dụng các biện pháp an ninh sinh học để quản lý ao tôm như: hạn chế cho người lạ vào khu vực nuôi, thực hiện khử trùng dụng cụ ngay sau khi sử dụng; nguồn nước nuôi (thay mới hoặc bổ sung vào ao nuôi) phải được khử trùng; bờ ao phải được quây lưới chắn giáp xác và có biện pháp xua đuổi chim cò tự nhiên
Xử lý ổ dịch phải đảm bảo: Toàn bộ dụng cụ, phương tiện chứa đựng, vận chuyển, bể nuôi, … phải được khử trùng bằng chất sát trùng và phương pháp phù hợp; nước trong ao bệnh phải được xử lý bằng Chlorine nồng độ 30ppm, ngâm trong 7 ngày trước khi xả ra ngoài môi trường; các chất cặn bã, bùn đáy ao, … trong quá trình nuôi phải được thu gom và xử lý tại khu vực riêng.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới Thủy sản – AIC
Nhãn
Tin tức liên quan
12 tháng 11 2024
BẢN TIN THỦY SẢN SỐ E11-11/2024
17 tháng 10 2024
CHÀO ĐÓN QUÝ KHÁCH HÀNG ĐẾN THAM QUAN NHÀ MÁY SUNJIN TIỀN GIANG 🎉
16 tháng 10 2024
💥 SUNJIN DREAM CAMP 2024 – DREAM BIG, DO BIG 💥
16 tháng 10 2024