Tổng hình hình xuất khẩu tôm Việt trong quý I/2022 và diễn biến giá tôm trong nước
Chuyên mục kỹ thuật – bệnh đường ruột trên tôm và biện pháp phòng ngừa
TIN TỨC SUNJIN
Số E04 – 04/2022
Tình hình xuất khẩu tôm Việt Quý I năm 2022
Tháng 3 năm 2022, xuất khẩu tôm đạt gần 400 triệu USD tăng gần 40% so với tháng 3 năm 2021. Kết quả xuất khẩu tôm quý I năm 2022 đạt 955 triệu USD tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một kết quả khả quan cho ngành tôm Việt trong năm 2022.
Nguồn hình ảnh: Sunjin Aqua – Marketing
Biểu đồ giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam 2020 – 2022
Trong đó, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt hơn 700 triệu, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 76% tổng giá trị xuất khẩu tôm. Tôm sú đạt hơn 100 triệu USD, tăng 37% và đạt 13% tổng giá trị xuất khẩu tôm.
Nguồn hình ảnh: Sunjin Aqua – Marketing
Biểu đồ cơ cấu giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam Quý I/2022
Hiện tại, Covid có thể được xem như là một bệnh đặc hữu tuy vẫn còn nhiều lo ngại về các biến chủng mới nhưng có thể thấy hầu hết các hạn chế đã dần được gỡ bỏ. Bên cạnh đó, các hoạt động dịch vụ ăn uống, du lịch… đang dần khôi phục trở lại, đi lại cũng ngày càng thuận tiện hơn trước. Đây là những yếu tố tích cực góp phần tạo đà tăng trưởng cho ngành tôm Việt.
Quý I năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường chính đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số. Mỹ tiếp tục là thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều tôm nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm 20,4%. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ lũy kế 3 tháng đầu năm nay đạt gần 195 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ. Kế đến là thị trường EU trong quý đầu năm nay đạt hơn 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang 3 thị trường đơn lẻ chính trong khối là Hà Lan, Đức và Bỉ tăng lần lượt 77%, 59% và 82%.
Nguồn: VASEP
Top các thị trường nhập khẩu tôm Việt lớn nhất quý I/2022
Theo dự báo từ VASEP, xuất khẩu tôm trong quý 2 năm nay sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao. Nếu diễn biến thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu tôm trong cả năm 2022 có thể đạt mức tăng trưởng 10%. Xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm nay sẽ vững đà tăng trưởng nhờ nhu cầu từ các thị trường vẫn tốt và ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại như CPTPP, EVFTA, UKVFTA , RCEP…Tuy nhiên, diễn biến từ một số thị trường như Trung Quốc với việc duy trì chính sách “Zero Covid”, cước vận tải biển chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine…vẫn là những thách thức mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt trong quý tới.
Diến biến tình hình giá tôm trong nước
Những tháng đầu năm giá tôm các loại luôn ở mức khá cao. Giá tôm thẻ chân trắng cỡ từ 100 con /kg luôn ổn định ở mức trên 90,000 VNĐ, tùy vào từng khu vực và nhu cầu thu mua tôm của thương lái giá tôm sẽ có chênh lệch từ 5,000 đến 10,000 VNĐ. Tuy nhiên, giá tôm thẻ các cỡ lớn hơn ( từ 30 con) lại giảm do tác động từ giá tôm nguyên liệu của các cường quốc tôm có Ecuador và Indonesia.
Nguồn: Sunjin Aqua – Marketing
Biểu đồ giá tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg (giá cập nhật đến trung tuần tháng 4)
Trong khi đó, giá tôm sú vẫn giữ được ở mức cao do vẫn chưa vào vụ, không có quá nhiều nguồn cung trên thị trường. Về tôm càng xanh, thời điểm năm trước, giá tôm càng xanh giảm thấp do tác động từ Covid, gây nên tâm lý lo lắng cho người nuôi. Lo ngại giá tôm thấp, người nuôi neo ao không thả lại dẫn đến đầu năm nay do thiếu nguồn cung, bên cạnh đó nhu cầu lại tăng cao vào các dịp lễ tết đầu năm nên giá tôm càng nhanh chóng tăng cao.
Nguồn: Sunjin Aqua – Marketing
Biểu đồ giá tôm càng xanh cỡ 10 con/kg (giá cập nhật đến trung tuần tháng 4)
Giá tôm các loại đều ổn định ở giá cao, nhưng thời gian tới khi vào vụ thu hoạch rộ giá tôm có thể sẽ giảm. Nếu không tính đến các tác động tiêu cực như dịch bệnh ở những năm trước, giá tôm thẻ cỡ 100 con có thể giảm về mức giá tầm 85,000 VNĐ/kg (có chệch lệch tùy từng vùng), giá tôm càng có thể sẽ ổn định ở mức 150,000 đến 170,000 VNĐ/kg tùy vào kích cỡ và từng khu vực.
Chuyên mục kỹ thuật – bệnh đường ruột trên tôm và biện pháp phòng ngừa
Sự biến động bất thường của tình hình thời tiết và các yếu tố liên quan khác làm thay đổi đột ngột các chỉ số chất lượng nước trong ao nuôi khiến tôm bỏ ăn, kém ăn,…dẫn đến tình trạng đường ruột tôm bị lỏng, đứt khúc và trống đường ruột làm giảm chất lượng cũng như năng suất tôm trong suốt vụ nuôi. Để nhận biết nguyên nhân cũng như biện pháp khắc phục, người nuôi cần lưu ý các vấn đề dưới đây.
1. Nguyên nhân và biểu hiện.
- Vi khuẩn Vibrio: Theo thời gian chất lượng nước ao kém do quản lí không tốt việc thay nước và cho ăn dẫn đến hàm lượng chất hữu cơ trong ao tích tụ ngày càng nhiều làm tăng mật độ Vibrio, khi gặp điều kiện thuận lợi cùng với sức đề kháng của tôm yếu thì Vibrio xâm nhập vào đường ruột, bám vào và phá hủy thành ruột, tiết ra độc tố làm cho thành ruột tôm bị viêm nhiễm khiến tôm bỏ ăn hoặc tiêu hóa kém dẫn đến đường ruột tôm bị đứt khúc hoặc trống ruột.
a)Đường ruột tôm bình thường. b) Tôm bị trống đường ruột-vỏ tôm bị tổn thương.
- Chất lượng nước: Nước ao nuôi xấu do sự phát triến quá mức của tảo, tảo tàn hay nước đục do nhiều nguyên nhân khác nhau làm tôm bỏ ăn; tôm ăn xác tảo tàn (tảo lam có chứa độc tố phá hủy thành ruột tôm) dẫn đến sức khỏe tôm bị kém; Tôm bị rối loạn tiêu hóa, đi phân lỏng và trống ruột.
- Nhiễm kí sinh trùng: Trùng hai tế bào (Gregarine) kí sinh trong ruột tôm do kí chủ trung gian là động vật thân mềm: nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, ốc…và động vật chân đốt: giun nhiều tơ… xâm nhập vào thành ruột tôm và sinh xôi gây tắc nghẽn cũng như tổn thương niêm mạc ruột giữa làm đường ruột bị xoắn lò xo và đốt cuối bị sưng viêm.
- Thức ăn: Tôm ăn phải thức ăn bị ẩm mốc, nhiễm độc do quá hạn hay bảo quản kém gây tổn thương và suy giảm chức năng đường ruột, làm sức khỏe tôm suy giảm do không hấp thụ được thức ăn dẫn đến các vấn đề về đường ruột như tôm đi phân hai màu, nặng hơn dẫn đến tôm bị phân trắng.
2. Biện pháp phòng ngừa
- Kiểm soát tốt chất lượng nước: Định kì nên diệt khuẩn ao nuôi; Cần có biện pháp xử lí chất hữu cơ dư thừa, bùn đáy ao, tảo độc; Luôn duy trì hàm lượng oxi hòa tan trong ao ít nhất 4ppm để kích thích tôm nuôi bắt mồi tốt và linh hoạt cũng như hạn chế các mầm bệnh khác tấn công.
- Kiểm soát tốt chất lượng thức ăn và khẩu phần ăn: Sử dụng thức ăn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, điều kiện bảo quản tốt; Tránh cho tôm ăn dư thừa bằng cách theo dõi lượng ăn, thay đổi kích cỡ thức ăn phù hợp tuổi tôm; Vào lúc thời tiết chuyển mưa nên có biện pháp giảm lượng ăn hợp lí và trộn tỏi xay 5-10g/kg thức ăn để giữ ấm đường ruột và tăng sức đề kháng cho tôm nuôi; Thường xuyên trộn vi sinh dòng Bacillus và Saccharomyces vào khẩu phần ăn nhằm tăng cường sự cạnh tranh của lợi khuẩn trong đường ruột cũng như ngăn ngừa các bệnh về đường ruột phát sinh trong quá trình nuôi. Ngoài ra, cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cũng như giúp tôm nuôi hấp thu và chuyển hóa tốt thức ăn.
- Cần có biện pháp hạn chế tối đa sự hiện diện của động vật trung gian lây truyền mầm bệnh bệnh như hến, ốc đinh, cua… bằng cách sử dụng lưới lọc mịn chặn nguồn nước trước khi cấp vô hệ thống nuôi và diệt khuẩn bằng chlorine hay TCCA 20-30ppm; Cần có hệ thống lưới rào để ngăn động vật trung gian qua lại giữa các ao nuôi.
Nguồn: Trung tâm Đổi mới Thủy sản – AIC
Nhãn