Góc Sunjin: Những tin tức nổi bật
Vào ngày 25/10/2023, Tổng giám đốc kinh doanh Thủy sản Sunjin – Ông Choi Se Min và các thành viên liên quan đã có buổi làm việc với đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang về việc bàn giao mặt bằng và các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản Sunjin tại khu công nghiệp Tân Phú Thạnh. Theo đó, lễ kí kết hợp đồng thuê đất xây dựng nhà máy sẽ được diễn ra vào tháng 12/2023 ngay trên thửa đất này. Buổi lễ sẽ có sự tham dự của các cấp lãnh đạo, cán bộ nhân viên công ty Sunjin và đại diện các cơ quan ban ngành tỉnh Hậu Giang.
Xuất khẩu tôm & những thị trường kỳ vọng cho giai đoạn cuối năm
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, xuất khẩu thủy sản tháng 10/2023 ước đạt trên 863 triệu USD, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến hết tháng 10 năm nay, xuất khẩu thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu tôm đã chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu thủy sản với giá trị trên 2,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 10, xuất khẩu tôm đạt khoảng 320 triệu USD, giảm 11% so với tháng 10/2022.
Nguồn: Sunjin Aqua Marketing
Diễn biến xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm và năm 2024 sẽ phụ thuộc phần lớn vào những biến động trên thị trường Hoa Kỳ. Khối lượng nhập khẩu tôm bắt đầu hồi phục, tuy nhiên, giá nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu giảm không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam và cả ngành tôm Ấn Độ cũng lao đao.
Những tháng trước, xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng dương nhưng sau kỳ nghỉ lễ dài gồm tết Trung thu và ngày Quốc khánh ở Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ tôm ghi nhận giảm mạnh ở thị trường này. Tồn kho cao do trước đó, Trung Quốc nhập khẩu nhiều tôm từ Ecuador. Các công ty nắm hàng tồn kho, không muốn giảm giá bán để giải phóng hàng. Sự kiện xả nước thải hạt nhân từ Nhật Bản cũng được cho là có ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung trong đó có tôm tại thị trường Trung Quốc. Sau lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản, nhiều nguồn cung nước ngoài kỳ vọng có thêm cơ hội mới ở TrungQuốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tìm kiếm sản phẩm thay thế từ nguồn cung nội địa.
Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam khi xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 9 – đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương. Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 9 ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất so với 2 tháng trước đó với mức tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 520 triệu USD, giảm 23%. Cùng với xu hướng tăng nhập khẩu tôm, dự báo tăng trưởngkinh tế Mỹ cũng khá khả quan. Theo dự báo của IMF, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong năm 2023 và 1,5% trong năm 2024, lần lượt tăng 0,3 và 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7.
Ngành thủy sản đã trong tình trạng dư thừa tôm trên toàn thế giới trong hơn một năm. Tại Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc, giá nhập khẩu trung bình năm 2023 đã giảm lần lượt là 13,4%, 10% và 2,7%. Dự báo tình hình tiêu thụ và nhập khẩu tại Hoa Kỳ sẽ khả quan hơn trong tháng 11 và 12 này. Bên cạnh đó, giai đoạn cuối năm có nhiều dịp lễ hội cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước tăng lên cũng là một yếu tố kích thích cho sự phục hồi của thị trường tôm.
Nhãn
Tin tức liên quan