Chuyên mục kỹ thuật: Bệnh phân trắng trên tôm

Hiện nay đang trong mùa mưa nhiệt độ, độ mặn, pH, kiềm và oxy hòa tan trong ao đều bị giảm đột ngột, do thời tiết trong ngày thay đổi bất thường dẫn đến các yêu tố môi trường trong ao nuôi biến động làm cho tôm nuôi dễ bị phát sinh các mầm bệnh mà trong đó điển hình là hội chứng phân trắng trên tôm (White Feces Syndrome – WFD).

Bệnh phân trắng đơn thuần không gây chết hàng loạt mà gây thiệt hại cho người nuôi: tôm giảm ăn, bỏ ăn, chậm lớn, ốp thân… ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất tôm nuôi. Bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn tôm nuôi 30 – 50 ngày tuổi.

Chăm sóc tôm nuôi trong mùa mưa nhất là những cơn mưa liên tục kéo dài gây nhiều khó khăn cho người nuôi, kể cả những người nuôi có kinh nghiệm, từ việc xả nước mặt cho đến chế độ tăng giảm lượng thức ăn cho hợp lý tránh dư thừa và hạn chế các tác động môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi. Sức khỏe tôm nuôi bị ảnh hưởng rất lớn từ môi trường tự nhiên: tảo tàn, sụp tảo, pH giảm, kiềm tuột, lắng cặn, vi khuẩn bùng phát đặc biệt là sự xâm nhập của vi khuẩn Vibrio spp.

  1. Dấu hiệu của bệnh phân trắng

Các dấu hiệu đầu tiên nếu không phát hiện kịp thời hoặc để lâu không điều trị có thể dẫn đến bệnh phân trắng như ruột tôm mờ, ruột không đầy thức ăn, thức ăn trong ruột lẫn dịch lỏng – phân lỏng, di chuyển qua lại khi dùng tay bóp nhẹ thân tôm, đôi khi ruột trống, không có thức ăn hoặc ruột tôm chứa phân bị đứt khúc – cong vẹo, phân chuyển từ màu nâu sang màu trắng nhạt, phân nhão dễ nát, dễ rã trong vó. Đường ruột ở đốt thân cuối của tôm (gần gai đuôi) bị đứt khúc và có màu trắng đục (người nuôi tôm thường gọi hạt gạo hay mủ đuôi).

Tôm bị nhiễm ký sinh trùng, thường có đường ruột zic zac tiêu hóa kém, kết hợp với điều kiện môi trường thuận lợi cho vi khuẩn bùng phát Vibrio tấn công làm gan tụy nhạt màu, gan tuỵ teo hoặc sưng (nhũn) gan tuỵ.

Tôm giảm hoặc bỏ ăn, thời gian canh vó kéo dài, màu sắc trên thân tôm dần chuyển sang màu sậm hơn, gan tuỵ sưng phồng và nhợt nhạt màu, tôm mềm vỏ, ốp thân, thịt không đầy vỏ, khó lột, lột xác dính vỏ, tôm lệch size phân đàn, chết rải rác, tôm rớt đáy số lượng tăng dần khi tỷ lệ tôm bị phân trắng tăng cao.

 

Tôm yếu, thân nhợt nhạt, nhấc vó khỏi mặt nước tôm ít búng nhảy. Tôm nổi lên mặt nước, bơi lờ đờ, dạt gần bờ, kéo đàn bơi rong lòng vòng dọc bờ, ngang ao.

Khi quan sát bằng mắt thường, dễ dàng nhận thấy những sợi phân màu trắng, trắng đục, vàng đục, trong ao nổi trên mặt nước và dồn về góc ao hoặc cuối hướng gió. Gan tụy tôm trở nên trắng và mềm, dịch ruột và phân chuyển sang màu vàng nâu, màu vàng hoặc trắng do gan mất chức năng tiêu hóa khả năng dự trữ dinh dưỡng và khả năng miễn dịch giảm.

  1. Các tác nhân gây bệnh phân trắng

Thức ăn kém chất lượng, thức ăn bị mốc và chứa độc tố khi cho tôm ăn các loại thức ăn này sẽ bị bệnh đường ruột. Thức ăn dính trên thành bạt, cầu nhá, máy quạt, … lâu ngày bị nhiễm nấm mốc, vi khuẩn rơi xuống tôm ăn dẫn đến bệnh.

Tôm giống không đảm bảo chất lượng, sử dụng nguồn tôm giống yếu từ các cơ sở sản xuất tôm kém chất lượng và không có các chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Một số ao nuôi có sự phát triển các nhóm tảo độc với mật số cao ảnh hưởng đến tôm, làm rối loạn chức năng đường ruột dẫn đến tôm không tiêu hóa được thức ăn.

Ký sinh trùng Gregarines gây tổn thương các biểu mô, tổn thương niêm mạc ruột, tắc nghẽn ruột, tôm không hấp thu được chất dinh dưỡng.

Nước ao nuôi kém chất lượng, vật chất hữu cơ tích luỹ cao, thức ăn dư thừa nhiều không được phân huỷ sẽ tạo điều kiện cho Vibrio spp phát triển nhanh mật số.

  1. Phòng bệnh phân trắng trên tôm

Chọn và bảo quản tốt thức ăn không bị nhiễm nấm mốc, độc tố, thức ăn chuyên dùng cho tôm, có chất lượng, đầy đủ dưỡng chất và đúng kích cỡ thức ăn phù hợp cho từng giai đoạn nuôi và cho ăn không bị dư thừa. Không để thức ăn rơi trên dụng cụ thiết bị quạt. Khi trời mưa dầm, thời tiết lạnh nên cắt cử ăn hoặc giảm ăn 30 – 50% lượng thức ăn để tránh dư thừa thức ăn, dơ đáy ao.

Chọn tôm giống chất lượng và sạch bệnh, sốc và thuần tôm giống trước khi thả theo quy trình. Giảm mật độ nuôi cũng là hạn chế bệnh phân trắng.

Thường xuyên theo dõi biểu hiện bên ngoài của tôm như ruột – phân để phát hiện sớm và phòng trị kịp thời. Khi phát hiện “hạt gạo” hay “mủ đuôi” ở đường ruột tôm phải có biện pháp xử lý kịp thời.

Duy trì quản lý ổn định chất lượng nước như pH, độ kiềm, độ mặn, độ trong…luôn nằm trong ngưỡng thích hợp, bằng cách thường xuyên hoặc định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường (pH, độ kiềm, khí độc NH3, NO2) để có biện pháp xử lý kịp thời. Quạt nước tăng oxy đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trên 5mg/l, tạo dòng chảy gom cặn (siphon bùn tích lũy nơi đáy ao) và làm sạch đáy ao.

Định kỳ bổ sung vi sinh, tăng cường mật độ vi sinh có lợi vào nước ao nuôi giúp lấn át, ức chế các vi khuẩn Vibrio gây hại, đồng thời giúp phân hủy thức ăn thừa, phân tôm, mùn bã hữu cơ, xác tảo làm môi trường nước ao được trong sạch, hạn chế các khí độc H2S, NH3, NO2, hạn chế sự phát triển Vibrio phát triển gây hại cho tôm. Bổ sung các sản phẩm tăng cường sức đề kháng cho tôm và bổ sung vi sinh – enzym có lợi cho đường ruột tôm.

Diệt các vật chủ trung gian mang mầm bệnh như hai mãnh vỏ, ốc, giáp xác và nhuyễn thể tạp tại các ao lắng – sẵn sàng trước khi cấp vào ao nuôi. Kiểm soát tảo, tảo độc, không cho tảo phát triển quá mức.

  1. Kiểm soát bệnh phân trắng

Bệnh phân trắng trên tôm không có phương pháp chữa bệnh duy nhất chỉ có cách chữa trị phù hợp nhất. Phát hiện bệnh sớm tỷ lệ tôm khỏi bệnh cao, bệnh nhẹ có thể kiểm soát bệnh phân trắng dứt điểm.

Khi tôm có những biểu hiện bệnh phân trắng nên ngừng cho tôm ăn và diệt khuẩn ngay để kiểm soát mật số Vibrio spp trong môi trường ao nuôi; có thể kiểm tra mật số tổng Vibrio spp trước và sau khi dùng diệt khuẩn để đánh giá hiệu quả thuốc. Sau khi diệt khuẩn 2 – 3 ngày tiến hành cấy vi sinh có lợi cho môi trường ao nuôi. Sau 1 đến 2 ngày cắt cử, cho tôm ăn lại khoảng 30 – 40% lượng thức ăn hàng ngày, liên tục trong khoảng 3 ngày đồng thời trộn thức ăn với các sản phẩm đặc trị phân trắng hoặc chế phẩm vi sinh liều lượng theo hướng dẫn nhà sản xuất. Sau đó trộn cho tôm 1 – 2 cử ăn trộn với thuốc, các cử còn lại trộn với men tiêu hóa và bổ gan.

Khi tôm có biểu hiện bệnh nặng (xuất hiện nhiều sợi phân trắng, tôm giảm ăn nhiều và gan tụy xấu) phải cắt cử ăn, diệt khuẩn môi trường sau đó 2 – 3 ngày cấy vi sinh lại ao nuôi. Trộn cho tôm ăn thêm kháng sinh nằm trong danh mục được phép lưu hành hiện nay. Sau 3 – 5 ngày điều trị nên ngừng sử dụng kháng sinh và trộn chế phẩm vi sinh đường ruột với liều lượng gấp đôi vào thức ăn tôm để phục hồi hệ vi sinh đường ruột.

Kháng sinh cũng là biện pháp trị bệnh phân trắng trên tôm, tuy nhiên lạm dụng kháng sinh làm tôm chậm lớn, chai còi. Vi khuẩn kháng thuốc, giảm tác dụng điều trị nên hạn chế sử dụng kháng sinh. Khi sử dụng kháng sinh thì cần ít nhất 3 tuần để tôm bài thải kháng sinh ra ngoài cơ thể.

Trường hợp ao nuôi có tỷ lệ mắc bệnh nặng cao > 30% (tôm giảm ăn mạnh, bỏ ăn nhiều, gan tụy nhũn hoặc teo, xuất hiên nhiều sợi phân trắng nổi hẳn trên mặt nước). Nhưng ao tôm đang trong giai đoạn có thể thu hoạch có lãi, huề vốn hoặc ít thiệt hại thì người nuôi nên xem xét đến phương thu hoạch tránh thiệt hại thêm.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới Thủy sản – AIC (Sunjin)