Khí độc NH3, NO2 hình thành từ các nguồn khác nhau có trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng như chất lơ lửng, phù sa lắng tụ, xác tảo chết, thức ăn dư thừa, phân tôm, vỏ tôm lột, xác tôm chết, bùn đáy ao tồn lưu do sên vét vụ nuôi trước không triệt để…
Ảnh hưởng khí độc NH3, NO2
Các chất hữu cơ này tích tụ nhiều dưới đáy ao trong quá trình nuôi. Khi có ánh sáng, nhiệt độ, vi khuẩn… quá trình phân huỷ hữu cơ ở đáy ao nuôi sẽ diễn ra. Sản phẩm đầu tiên hình thành từ phân huỷ hữu cơ NH4 hay NH3 chịu ảnh hưởng bởi biến thiên của pH.
Nói cách khác, khi pH tăng cao (8.3 – ≥ 8.5) thì NH3 sinh ra nhiều. Ngược lại, khi pH thấp (≤7.5 – 8.2), NH4 sinh ra nhiều, NH4 ít gây độc cho tôm nuôi. NH3 ở mức > 0,5 mg/lít, sẽ gây độc cho tôm nuôi.
pH trong ao nuôi tăng cao do tảo phát triển mạnh trong ao, do ban ngày tảo quang hợp, hấp thu khí CO2 trong nước mạnh…Mức độ tăng pH lệ thuộc vào độ kiềm trong ao, nói cách khác, độ kiềm trong ao nuôi càng cao (≥ 100 mg/lít), sự thay đổi pH càng ít.
Nếu pH liên tục tăng cao, khí NH3 sinh ra nhiều, là nguyên liệu chính để chuyển hoá sang NO2. Khi NO2 trong nước ở mức > 0,5 mg/lít, đã gây chết tôm trong ao, tỷ lệ tôm chết tăng khi mức độ NO2 tăng cao.
Thực tế, vẫn có những ao ngoại lệ, khi hàm lượng khí độc NH3, NO2 vượt con số giới hạn cho phép trên, tôm vẫn phát triển, tuy nhiên những trường hợp này không phổ biến. Khí độc rất nhiều ảnh hưởng xấu đến tôm và gây chết tôm do NO2 và đôi khi người nuôi lầm tưởng đến những vấn đề khác như dịch bệnh, chất lượng giống, chất lượng thức ăn…
Ảnh hưởng rõ ràng nhất khi khí độc NH3, NO2 tăng cao trong ao, được biết đến thông qua biểu hiện của tôm nuôi như tôm xuất hiện bơi lội trên mặt nước, tôm bơi dọc mé bờ, tôm nổi đầu sáng sớm, chiều mát.
Nếu pH trong ao tiếp tục tăng cao, phân huỷ hữu cơ chủ yếu sinh khí độc NH3, đây là nguyên liệu dồi dào sản sinh khí độc NO2. Khi NO2 tăng cao, vượt ngưỡng, tôm giảm ăn từ từ đến bỏ ăn, thời gian canh vó kéo dài, thường dư thức ăn trong vó. Tôm khó lột xác, lột xác dính vỏ, tôm thường mềm vỏ, tôm khó tạo vỏ mới, tôm tăng trưởng chậm hoặc ngừng tăng trưởng, xuất hiện tôm chết rớt cục thịt trong vó, tôm chết trong hố siphon số lượng tăng dần.
Đặc biệt, trong môi trường nuôi tôm thẻ chân trắng độ mặn thấp (≤ 10%), việc chênh áp suất thẩm thấu giữa cơ thể tôm và môi trường gây rối loạn cân bằng, khi đó sự cạnh tranh giữa hai ion NO2- và Cl-, tôm khó lột xác, lột xác bị mềm vỏ, khó tạo vỏ mới, tôm chậm lớn. Tôm mất khả năng trao đổi oxy, xuất hiện các đốm đen trên vỏ tôm, có hiện tượng thủng cơ tại vị trí đốm đen, khiến tôm chết hàng loạt.
Biện pháp hạn chế ảnh hưởng khí độc NH3, NO2 thay nước đã qua hệ thống ao lắng lọc, ao xử lý nước, ao sẵn sàng. Hoặc sử dụng yucca liều theo hướng dẫn 0,5 – 1ppm.
Việc cho tôm ăn và quản lý thức ăn, quan trọng nhất là định lượng thức ăn theo nhu cầu thực tế tôm sử dụng hàng ngày. Cần chủ động giảm lượng ăn ≤ 50% khi thời tiết xấu, khi tôm lột, khi sức khoẻ tôm không tốt, khi thông số môi trường ao nuôi biến động, khi khí độc trong ao nuôi tăng cao, khi sử dụng thuốc, hoá chất… Chủ động giảm pH nước ao nuôi, thông qua giảm mật độ tảo bằng biện pháp thay nước, sử dụng vi sinh, dùng hoá chất cắt tảo: như BKC 10 – 15 mg/lít, oxy già H2O2 2 – 3 mg/lít, vôi…
Nếu màu tảo đẹp, màu trà, tảo non, nên cấy vi sinh vào ban ngày, nếu tảo già, nước đậm, nên cấy vi sinh vào ban đêm. Duy trì màu tảo khuê – màu trà, Nếu tảo phát triển đậm nên giảm tảo.
Mỗi ngày, chủ động siphon, thay nước, loại bỏ phân tôm, vỏ tôm, chất hữu cơ lắng tụ …ở đáy ao. Trong thức ăn, chủ động bổ xung Enzym hỗ trợ tiêu hoá, vi sinh có lợi, Beta glucan, acid amine thiết yếu, chất hỗ trợ gan… tăng cường đề kháng, hỗ trợ sức khoẻ tôm nuôi.
Trong quá trình nuôi, thấy tôm chậm lớn hoặc chết trong ao, trong sàng ăn người nuôi thường cho rằng tôm đã bệnh ít quan tâm đến ảnh hưởng của khí độc gây thiệt hại rất nặng nề, khó khắc phục. Khí độc hình thành, tác động làm tôm nuôi chậm lớn, kéo dài thời nuôi. Khí độc tăng cao, làm tôm chết hàng loạt, gây thất thu.
Trong nuôi tôm thẻ chân trắng, môi trường nước là mái nhà, là nơi tôm sinh sống. Môi trường sạch, thông số môi trường ổn định, trong ngưỡng, là điều kiện tiên quyết để tôm nuôi phát triển ổn định, về đích như kỳ vọng và có lãi cao.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới Thủy sản – AIC (Sunjin)
Nhãn
Tin tức liên quan
13 tháng 01 2025
BẢN TIN THỦY SẢN SỐ N1 – 01/2025
23 tháng 12 2024
BẢN TIN THỦY SẢN SỐ E12-12/2024
03 tháng 12 2024