Thực trạng & định hướng của ngành nuôi trồng thủy sản ở Bến Tre
Chuyên mục kĩ thuật: Vi bào tử trùng trên tôm nuôi
TIN TỨC SUNJIN
Số E09 – 09/2021
Thực trạng và định hướng cho ngành nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Bến Tre
Trao đổi với PV Tạp chí Thủy sản Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cả 3 vùng: mặn, lợ, ngọt, tiềm năng phát triển nghề nuôi thủy sản ở Bến Tre là rất lớn. Đối với vùng lợ, có 2 đối tượng nuôi chính là tôm sú và tôm thẻ với diện tích khoảng 36.000 ha; trong đó có 12.000 ha nuôi thâm canh và 1.950 ha nuôi công nghệ cao. Còn vùng ngọt, tỉnh chọn con cá tra làm đối tượng nuôi chủ lực với diện tích khoảng 800 ha và tôm càng xanh là trên 2.000 ha. Tổng sản lượng NTTS hàng năm của tỉnh bình quân gần 300.000 tấn; trong đó có 71.000 tấn tôm nước lợ. Nói về nghề nuôi tôm nước lợ, ông Buội cho biết, đây là đối tượng nuôi đang phát triển khá mạnh tại 3 huyện ven biển của tỉnh với nhiều mô hình nuôi: quảng canh, tôm – lúa, bán thâm canh, thâm canh và gần đây là nuôi công nghệ cao. Đối với mô hình quảng canh và tôm – lúa chủ yếu là tôm sú, năng suất bình quân 200 – 250 kg/ha, còn mô hình thâm canh đối với tôm thẻ là 8 tấn/ha/vụ, tôm sú là 5,5 tấn/ha/vụ. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao 2 – 3 giai đoạn năng suất lên đến 180 tấn/ha mặt nước/năm hiện đang có xu hướng phát triển ngày càng mạnh. Ông Buội thông tin: “Đây là hướng đi chủ lực trong thời gian tới cho nghề nuôi tôm nước lợ của Bến Tre nhằm giảm thiểu rủi ro thiệt hại về dịch bệnh, thời tiết, môi trường; gia tăng năng suất, chất lượng và sản lượng tôm nuôi trên địa bàn tỉnh. Do đó, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu phát triển diện tích nuôi tôm thẻ công nghệ cao lên 4.000 ha vào năm 2025”.
Bên cạnh đó, con tôm càng xanh ngày càng được nông dân Bến Tre ưa chuộng đưa vào nuôi chủ yếu theo 2 mô hình: nuôi trong mương vườn và nuôi luân canh với tôm sú theo mô hình tôm – lúa. Tuy năng suất không cao như tôm nước lợ, nhưng bù lại tôm càng xanh rất dễ nuôi, ít dịch bệnh và có giá bán ổn định ở mức cao. Thời gian gần đây, nhờ có giống tôm càng xanh toàn đực, cùng với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nên hiệu quả nuôi tôm càng xanh ở Bến Tre ngày càng cao. Theo ước tính của người nuôi, bình quân mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha sau 6 – 7 tháng nuôi.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực, ông Buội cho biết: “Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt thì con tôm càng xanh nói chung và tôm càng xanh toàn đực nói riêng tỏ ra thích hợp nhất khi có thể phát triển tốt ở môi trường có độ mặn từ 0 – 10‰. Hơn nữa, nuôi tôm càng xanh đòi hỏi vốn, kỹ thuật không cao như tôm thẻ hay tôm sú, có thể tận dụng nuôi kết hợp tôm – lúa hay nuôi trong ao mương vườn dừa, nên rất phù hợp với khả năng đầu tư cũng như trình độ của đa số hộ dân. Sản lượng tôm càng xanh của Bến Tre hiện khoảng 1.100 tấn/năm, nhưng đây được xem là đối tượng nuôi tiềm năng của tỉnh vì dư địa phát triển còn rất lớn”.
Để thực hiện đạt mục tiêu đã đề ra, Bến Tre sẽ tập trung đầu tư, thi công hoàn thiện sớm hạ tầng phục vụ vùng nuôi: thủy lợi, giao thông, điện 3 pha. Tăng cường công tác sản xuất giống để chủ động nguồn giống có chất lượng và đủ về số lượng nhằm đáp ứng nhu cầu vùng nuôi. Về kỹ thuật, tập trung các giải pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật mới vào nghề nuôi như: nuôi công nghệ cao, nuôi đạt tiêu chuẩn quốc tế và dễ dàng trong truy xuất nguồn gốc…Trong đó với các mô hình nuôi TTCT công nghệ cao sẽ quan tâm quản lý môi trường chặt chẽ hơn vì nước thải và chất thải từ mô hình này là rất lớn; cùng đó, cần phải có nguồn vốn đầu tư lớn, có nguồn nhân lực phù hợp, có đủ nguồn điện 3 pha và kết nối đầu ra vì hiện Bến Tre chỉ có 1 nhà máy chế biến tôm công suất khá nhỏ.
Nguồn: Tạp chí Thủy Sản Việt Nam số 17360
Chuyên mục kỹ thuật – Vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei trên tôm nuôi
Giới thiệu
Bệnh do vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) trên tôm nuôi nước lợ đang có chiều hướng gia tăng ở một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Mexico, Úc, Venezuela, Bangladesh và Việt Nam. Mặc dù tôm bị nhiễm bệnh không chết hàng loạt như bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), bệnh đốm trắng (WSSV) nhưng đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng tôm trong ao do tốc độ tăng trưởng của tôm kém. Đối với một số ao nhiễm vi bào tử trùng EHP, tôm chỉ đạt kích cỡ 4 – 5g sau 90 – 100 ngày nuôi. Tốc độ tăng trưởng này rất thấp so với tốc độ tăng trưởng bình thường của tôm.
Tác nhân gây bệnh
- Do vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopanaei thuộc họ Enterocytozoonidae gây ra. Bào tử có hình bầu dục, đơn nhân, phía trước có 5 – 6 vòng sợi tơ, có không bào phía sau, có đĩa bám gắn với sợi tơ ở đầu cực nang, vách tế bào mỏng.
- Loài vi bào tử trùng này khác với các nhóm vi bào tử trùng gây bệnh bông gòn trên tôm nuôi.
- EHP là loại ký sinh trùng nội bào bắt buộc, thuộc nhóm phân loại gần với nấm.
Hình dạng của bào tử EHP (Nguồn: Tidaporn Chaweepack và ctv.)
Hình dạng của bào tử EHP trong các mẫu kiểm tra dưới kính hiển vi
(Nguồn: T. Flegel; CIBA)
Dấu hiệu bệnh lý
- Tôm nhiễm bệnh không có dấu hiệu bệnh lý điển hình. Tỷ lệ chết thấp.
- Tôm nhiễm bệnh thường có kích cỡ không đồng đều sau 20 – 25 ngày thả nuôi.
- Tôm bơi lội chậm chạp, hoạt động bắt mồi giảm.
- Tôm nhiễm EHP có tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 10 – 40% so với tôm khỏe.
- Gan nhạt màu. Vi bào tử trùng EHP chủ yếu tấn công vào tế bào gan tụy và nhân số lượng lên bên trong tế bào chất của biểu mô ống gan tụy tôm.
- EHP ký sinh nội bào và sử dụng dinh dưỡng cũng như năng lượng dự trữ trong gan tụy tôm. Điều này làm cho tôm không đủ dinh dưỡng cho quá trình lột xác và phát triển. Tôm bị ốp thân rất nhiều trong quá trình nhiễm EHP.
- Ruột trống, có dịch màu vàng nâu. Một số ao nuôi khi tôm nhiễm EHP có xuất hiện hiện tượng phân trắng.
Các biểu hiện trên tôm bị nhiễm EHP
(Nguồn: CIBA)
Con đường lây nhiễm
- Không có ký chủ trung gian nhưng có nhiều nhóm sinh vật mang mầm bệnh như cua, artemia, giun nhiều tơ (rươi), nhuyễn thể (hàu)…
- EHP có thể truyền từ tôm bố mẹ sang tôm con trong quá trình sinh sản.
- EHP sẽ lây truyền từ tôm bệnh sang tôm khỏe trong ao nuôi do quá trình ăn nhau trong ao nuôi, cũng như từ phân tôm nhiễm EHP.
Vòng đời của EHP
(1) Bào tử nảy mầm, tấn công vào màng tế bào vật chủ bằng ống polar và đưa vật chất di truyền vào trong tế bào chất.
(2) Các bào tử phát triển và phân chia nhiều lần thành 1 bào nang (plasmodium)
(3) Các tiền chất được hình thành trong các bào nang để giúp cho quá trình sinh bào tử
(4) Và (5) Các bào nang phân cắt thành tiền bào tử
(6) Tế bào chủ vỡ ra và giải phóng các bào tử trưởng thành
(Nguồn: Watson và ctv, 2015)
Biện pháp phòng ngừa EHP
- Chưa có phương pháp trị bệnh EHP hiệu quả trên tôm nuôi.
- Áp dụng các biện pháp An Toàn Sinh Học trong trại giống, trại ương tôm và trại nuôi tôm thương phẩm.
a/ Tôm bố mẹ:
- Sử dụng tôm bố mẹ SPF.
- Không nên sử dụng nguồn tôm nuôi trong ao để làm tôm bố mẹ.
- Tránh sử dụng nguồn thức ăn tươi sống có mang mầm bệnh. Thức ăn tươi sống nên trữ ở -20 oC để tiêu diệt bào tử EHP.
b/ Ương tôm:
- Nên áp dụng mô hình ương tôm trong 20 – 30 ngày đầu trong bể nhỏ. Qua đó, người nuôi có thể đánh giá sự phát triển của tôm cũng như phát hiện được tôm có nhiễm bệnh EHP hay không.
- Áp dụng phương pháp PCR để kiểm tra mầm bệnh EHP và các mầm bệnh nguy hiểm khác trước khi thả giống.
- Ở giai đoạn này, nếu phát hiện tôm mang mầm bệnh thì tiến hành hủy đàn tôm tránh lây lan, giảm chi phí xử lý và tiết kiệm được thời gian.
- Có thể xử dụng một số thảo dược và acid hữu cơ thể phòng bệnh và tăng sức đề kháng cho tôm.
c/ Nuôi tôm thương phẩm:
- Tiến hành khử trùng các thiết bị, dụng cụ trong ao nuôi.
- Làm sạch bùn đáy ao để loại trừ mầm bệnh EHP.
- Lắp đặt hệ thống sục khí và quạt nước để đảm bảo sự tuần hoàn nước trong ao thật tốt.
- Thả giống tôm với mật độ vừa phải.
- Tránh cho ăn quá mức.
- Sử dụng các sản phẩm bổ sung như chitosan, tinh dầu, thảo dược, acid hữu cơ để tăng cường hệ miễn dịch, ức chế sự phát triển của bào tử EHP.
Xử lí ao nuôi sau khi bị nhiễm EHP
- Sau khi thu hoạch tôm, tiến hành xử lý nước ao bằng chlorine 30 ppm trước khi xả ra bên ngoài.
- Tiến hành xử lý bằng thuốc tím KMnO4 .
- Xả cạn ao và phơi đáy ao 15 ngày, tiến hành bón vôi CaO để nâng pH đất lên 12. Tiếp tục phơi ao 15 – 20 ngày để diệt hết các bào tử EHP.
- Đối với những ao không xả nước được. Tiến hành thả nuôi cá chẽm 1 vụ vì cá chẽm là loại ăn thịt, sẽ diệt hết tôm mang mầm bệnh EHP trong ao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tang, K.F.J., Pantoja, C.R., Redman, R.M., Han, J.E., Tran, L.H., Lightner, D.V, 2015. Development of in situ hybridization and PCR assays for the detection of Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), a microsporidian parasite infecting penaeid shrimp. J Invertebr Pathol 130: 37–41.
Kesavan K, Mani R, Toshiaki I, Sudhakaran R. (2016). Quick report on prevalence of shrimp microsporidian parasite Enterocytozoon hepatopenaei in India. Aquaculture Research.
Rajendran, K.V., Shivam, S., Ezhil Praveena, P., Sahaya Rajan, J.J., Sathish Kumar, T., Satheesha, A. (2016). Emergence of Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) in farmed Penaeus (Litopenaeus) vannamei in India. Aquaculture 454:272-280.
Watson, A. K., Williams, T. A., Williams, B. A., Moore, K. A., Hirt, R. P., & Embley, T. M. (2015). Transcriptomic profiling of hostparasite interactions in the microsporidian Trachipleistophora hominis. BMC genomics, 16(1), 983..
Nhãn