Số E07 – 07/2021
TIN TỨC SUNJIN
Số E07-07/2021
Tình hình xuất khẩu tôm Việt 6 tháng đầu năm
Theo thống kê của VASEP, 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam đạt 4,12 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu tôm tháng 6 đạt 402 triệu USD đưa tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm lên 1,73 tỷ USD (tăng 13,7% so với cùng kì). Những thị trường XK chính của tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức đều đang gia tăng nhập khẩu (NK) tôm, do vậy XK sang những nước này tăng trưởng tốt. Trong đó, XK tôm sang Mỹ đang có đà tăng trưởng hàng tháng 45 – 46%, sang Nhật Bản tăng 17%, sang Hàn Quốc tăng 10%, Đức 60%, sang Anh tăng 15%. Trừ thị trường Mỹ và Trung Quốc, tôm Việt Nam đang đứng vị trí số 1 tại hầu hết các thị trường với kim ngạch nổi trội hơn so với các nước khác.
Nguồn: Sunjin – Aqua Marketing
Giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam 2020 – 2021
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, trong nửa cuối năm 2021, XK thủy sản của Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi khi các doanh nghiệp đã thích nghi tốt với những biến đổi của thị trường dưới tác động của Covid, nhu cầu từ các thị trường lớn tăng khi kinh tế phục hồi sau đại dịch và các ưu đãi từ những hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực cũng là yếu tố hỗ trợ ngành thủy sản.
Đồng quan điểm trên, VASEP nhận định, trừ thị trường Trung Quốc kiểm soát chặt hàng NK liên quan đến kiểm tra Covid làm ảnh hưởng đến doanh số XK, những kết quả XK rất khả quan sang các thị trường trọng điểm và các thị trường khác trong nửa đầu năm nay, cho thấy đích XK 8,8 – 9 tỷ USD vào cuối năm 2021 là con số khả thi với thuỷ sản Việt Nam.
Tuy nhiên vẫn còn những lo ngại nhất định, ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác thủy hải sản. Bên cạnh đó, XK thủy sản tập trung vào một số thị trường chính, trong đó, thị trường Mỹ có mức tăng trưởng XK rất mạnh, việc này cũng tiềm ẩn những rủi ro thương mại như chống bán phá giá với tôm hay cá tra. Các doanh nghiệp thủy sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long lo lắng về nguy cơ lây nhiễm Covid do các khu công nghiệp có nhiều ca F1, việc có F1 nếu xảy ra có F0 trong các vùng sản xuất tôm hay cá hiện nay thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất rất lớn. Phía Tổng cục Thủy sản cũng khuyến nghị các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường để giảm thiệt hại và tranh thủ được cơ hội thị trường.
Chuyên mục kỹ thuật – Hội chứng phân trắng trên tôm nuôi
Ngành nuôi tôm he gồm tôm sú (Penaeus monodon) và tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do diễn biến thời tiết phức tạp, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh bùng phát trên diện rộng khó kiểm soát gây thiệt hại kinh tế cho các hộ nuôi tôm.
Tôm bị hội chứng phân trắng (White Feces Syndrome – WFS) xuất hiện ngày càng nhiều gây thiệt hại cho các ao nuôi bán thâm canh, thâm canh với mật độ cao ở cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng (Nguyễn Khắc Lâm, 2004). Tại Thái Lan, WFS xảy ra ở hầu hết các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng. Riêng Việt Nam, WFS cũng gây thiệt hại nhiều trên địa bàn các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau… nhưng chưa xác định được nguyên nhân cụ thể.
- Nguyên nhân gây phân trắng trên tôm
Các nhà khoa học dùng từ “Hội chứng – syndrome” để nói về biểu hiện phân trắng xảy ra trên tôm nuôi. Hội chứng là một tập hợp các dấu hiệu bệnh và triệu chứng có mối tương quan với nhau và thường với một bệnh cụ thể.
Một số nguyên nhân gây nên hội chứng phân trắng.
- Trùng hai tế bào (Gregarine): Gregarine xuất hiện nhiều trong ruột sẽ lấy chất dinh dưỡng từ tôm và gây tổn thương lớp niêm mạc ruột tạo điều kiện cho các vi khuẩn Vibrio sp. xâm nhập gây nhiễm trùng cho tôm. Các gregarine cũng cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng của các nhung mao và dẫn đến sự tăng trưởng kém của tôm nuôi. Gregarin thường hiện diện với nhiều trong ruột của tôm Sú bị phân trắng. Tuy nhiên, ở tôm thẻ bị phân trắng rất ít khi có sự xuất hiện của gregarine.
- Thể vermiform: Siriporn Sriurairatana và cộng tác viên (2014) xác định tác nhân gây phân trắng trên tôm thẻ là do sự hiện diện của các vật thể có hình dạng vermiform (hình dạng giống giun tròn). Nhóm tác giả đã giả thuyết thể vermiform do các vi nhung mao của ống gan tuỵ bị bong tróc, biến đổi hình dạng và tập hợp lại thành một khối (aggregated, transformed microvilli – ATM) có hình dạng giống giun tròn. Đôi khi lớp tế bào biểu bì này bao quanh những tế bào B (tế bào gan tụy) bị bong tróc tạo thành hình dạng giống như nhân của gregarine. Các thể vermiform thường được tìm thấy trong gan tụy và ruột của tôm bị phân trắng. Khi các thể vermiform hiện diện với cường độ cao sẽ hình thành một chuỗi phân có màu trắng thải ra môi trường. Trong nghiên cứu của Lưu Thị Thanh Trúc và ctv (2018) cho thấy khi tôm thẻ bị phân trắng thì sự hiện diện của thể vermiform trong gan tụy và ruột của tôm rất nhiều.
Trùng hai tế bào (gregarine) trưởng thành và trứng được tìm thấy trên tôm sú bị phân trắng.
Tôm thẻ bị phân trắng cho thấy có sự hiện diện rất nhiều thể Vermiform trong gan tụy và ruột.
Hình dạng khác nhau của thể vermiform được tìm thấy trong gan tụy của tôm thẻ bị phân trắng.
- Sự phát triển quá mức của tảo độc: trong một số ao tôm thẻ bị phân trắng cho thấy có sự xuất hiện của tảo lam với mật độ rất cao.
- Hàm lượng oxy hòa tan trong ao thấp: Nếu mưa kéo dài nhiều giờ dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ, pH và hàm lượng oxy hòa tan trong ao thấp (
- Sự phát triển quá mức của các vi khuẩn Vibrio sp.: kết quả kiểm tra vi khuẩn cho thấy một số tôm bị phân trắng có sự hiện diện nhiều của các vi khuẩn Vibrio sp. như Vibrio parahaemolyticus, Vibrio vulnificus, Vibrio cholerae…
- Dấu hiệu bệnh lý
Hội chứng phân trắng có ở tất cả kích cỡ của tôm nuôi từ 550 con/kg đến 45 con/kg nhưng nhiều nhất ở kích cỡ trung bình khoảng 150 con/kg. Tôm mới thả nuôi trong 2 tuần đầu cũng có thể bị phân trắng. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra cho thấy phân trắng xuất hiện nhiều nhất khi tôm thả nuôi 30 đến 65 ngày. Phân trắng trên tôm có thể xuất hiện mọi thời điểm trong năm nhưng thời điểm bệnh xuất hiện nhiều nhất từ đầu mùa mưa và những tháng cuối năm từ tháng 7 đến tháng 11. Điều này cũng cho thấy khi một trong số các yếu tố môi trường như nhiệt độ, DO (hàm lượng oxy hòa tan) thay đổi do thời tiết có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm bị phân trắng.
- Tôm bệnh có sợi phân trong ruột tôm xốp màu trắng trong ruột và thải ra môi trường ao nuôi. Thỉnh thoảng, sợi phân cũng có màu vàng nhạt nổi trên mặt ao.
- Tôm bệnh giảm ăn rõ rệt sau 1 – 2 ngày phát hiện phân trắng trong ao nuôi.
- Đường ruột tôm đứt khúc hoặc trống, không có thức ăn trong đường ruột, ngoài ra thành ruột tôm mỏng, chứa dịch lỏng đa phần màu vàng nâu.
- Tôm bị ốp thân dẫn đến giảm năng suất khi thu hoạch.
- Trong các ao bị phân trắng nặng cho thấy tỷ lệ sống của tôm giảm từ 10 – 15%.
- Phương pháp chẩn đoán
Do có nhiều tác nhân gây nên hội chứng phân trắng trên tôm vì thế việc chẩn đoán xác định chính xác nguyên nhân là yếu tố quan trọng giúp người nuôi tôm có phát đồ điều trị mang lại hiệu quả.
Khi tôm bị phân trắng, cán bộ kỹ thuật cần xác định tất cả các yếu tố như môi trường nước, mật độ vi khuẩn, sự hiện diện của trùng 2 tế bào, thể vermiform. Căn cứ vào kết quả chẩn đoán để đưa ra giải pháp hợp lý giúp cải thiện tình trạng phân trắng nhằm giảm thiệt hại về kinh tế cho người dân.
- Biện pháp phòng, trị
- Lựa chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh.
- Thả tôm với mật độ thích hợp.
- Quản lý việc cho tôm ăn: tránh dư thừa thức ăn dẫn đến môi trường nước ao bị ô nhiễm hữu cơ tạo điều kiện cho tảo lam phát triển. Tiến hành diệt khuẩn nước ao nuôi định kỳ 5 -7 ngày/lần.
- Kiểm tra và cung cấp nguồn oxy đầy đủ cho tôm nuôi (hàm lượng oxy hòa tan phải lớn hơn 4 mg/L)
- Sử dụng men vi sinh (Bacillus sp., Rhodopseudomonas sp., Saccharomyces sp. …) giúp cân bằng và duy trì chất lượng nước ao nuôi. Ngoài ra, khi sử dụng men vi sinh trong ao nuôi cũng giúp ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây hại cho tôm, cũng như giảm sự phát triển quá mức của tảo trong ao nuôi.
- Sử dụng men vi sinh (Bacillus sp., Lactobacillus sp., …), một số loại thảo dược, acid hữu cơ và hoạt chất sinh học bổ sung vào thức ăn tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi phát triển và ức chế sự phát triển của ký sinh trùng và vi khuẩn có khả năng gây hại cho tôm.
- Trong trường hợp các hộ nuôi sử dụng kháng sinh trị bệnh thì phải kiểm tra kháng sinh đồ và sử dụng đúng liệu trình 5 – 7 ngày. Sau đó, bổ sung men vi sinh vào thức ăn để phục hồi lại hệ vi sinh vật có lợi trong ruột tôm.
Lưu ý: đối với tôm thẻ chân trắng, tới nay chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định thể vermiform là ký sinh trùng. Vì vậy, các hộ nuôi tôm cần chú ý khi tôm bị phân trắng không nên dùng các loại thuốc xổ để gây tình trạng stress cho tôm, dẫn đến tôm hao hụt nhiều và tốn chi phí cao trong vụ nuôi.
Tài liệu tham khảo
Limsuwan, C., 2010. White feces disease in Thailand. Boletines nicovita magazine April-June, 2-4 (www.nicovita.com.pe)
Nguyễn Khắc Lâm, 2004. Kết quả nghiên cứu bước đầu về bệnh “ Phân trắng, teo gan” trên tôm sú nuôi thương phẩm tại Ninh Thuận. Tạp chí khoa học-kỹ thuật-kinh tế thủy sản số 11/2004: 27-30.
Sriurairatana, S., Boonyawiwat V., Gangnonngiw W., Laosutthipong C., Hiranchan J., and Flegel T.W., 2014. White feces syndrome of shrimp arises from transformation, sloughing and aggregation of hepatopancreatic microvilli into vermiform bodiessuperficially resembling gregarines. PloS ONE 9(6). 8p.
Lưu Thị Thanh Trúc, Truyện Nhã Định Huệ, và Võ Thị Thu Lộc, 2018. Điều tra tần suất xuất hiện của thể vermiform và sự biến đổi mọ học trên tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) có biểu hiện phân trắng. Đề tài cấp cơ sở.
Sunjin đồng hành cùng khách hàng phòng tránh COVID:
Khuyến cáo khách hàng tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ y tế và chỉ thị 16 củaThủ tướng Chính phủ ban hành để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như xã hội. Hãy cài ứng dụng:
– Bluezone để truy vết nhanh những người có nguy cơ lây nhiễm COVID, đồng thời cảnh báo nếu người dùng tiếp xúc gần với người nhiễm virus corona.
– NCOVI để khai báo y tế tự nguyện, góp phần phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Sunjin đồng hành cùng khách hàng – nuôi dưỡng những giấc mơ.
Nhãn
Tin tức liên quan
17 tháng 10 2024
CHÀO ĐÓN QUÝ KHÁCH HÀNG ĐẾN THAM QUAN NHÀ MÁY SUNJIN TIỀN GIANG 🎉
16 tháng 10 2024
💥 SUNJIN DREAM CAMP 2024 – DREAM BIG, DO BIG 💥
16 tháng 10 2024
BẢN TIN THỦY SẢN SỐ E10-10/2024
08 tháng 10 2024