Xuất khẩu tháng 5 giảm nhiệt và tình hình giá tôm trong nước

TIN TỨC SUNJIN

Số E06 – 06/2022

Xuất khẩu tháng 5 giảm nhiệt

            Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 5/2022, xuất khẩu thủy sản không duy trì được mức tăng trưởng nóng như trong tháng 4/2022 nhưng vẫn chạm mốc 1 tỷ USD, cao hơn 27% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, luỹ kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản của cả nước mang về kim ngạch trên 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu thuỷ sản tháng 5/2022 chững lại một chút so với tháng 4 chủ yếu do xuất khẩu tôm. Trong tháng 5, xuất khẩu tôm đạt 457 triệu USD, tăng 31%, sau khi tăng nóng 47% trong tháng 4. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu tôm ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 38% và chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản.

Nguồn hình ảnh: Sunjin Aqua – Marketing

Biểu đồ giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam 2020 – 2022

            Một số doanh nghiệp cho biết xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm nay tăng đột phá là do các doanh nghiệp có sẵn nguồn nguyên liệu dự trữ và tồn kho từ năm 2021, nhiều doanh nghiệp ký được hợp đồng từ cuối năm ngoái với mức giá cao trong bối cảnh Covid-19 căng thẳng, tình trạng lạm phát giá trên toàn cầu cũng tác động giá tôm tăng, sự trở lại của doanh nghiệp Việt Nam với các hội chợ thuỷ sản quốc tế tại Mỹ, EU…Tuy nhiên, từ đầu tháng 5, thời tiết có chiều hướng bất lợi cho tôm nuôi, mưa đầu mùa sớm hơn mọi năm, ảnh hưởng đến sản lượng tôm, do vậy nguồn nguyên liệu tôm không được khả quan như 4 tháng đầu năm.

Tình hình giá tôm trong nước

            Trung tuần tháng 6, giá tôm thẻ giảm so với các tháng trước nhưng giá tôm hiện tại vẫn cao hơn so với thời điểm này năm trước. Giá tôm giảm ở các size tôm nhỏ từ 50 con đến 100 con/kg do hiện tại đã vào thời điểm chính vụ, bên cạnh đó do thời tiết mưa nắng thất thường nên nhiều người nuôi buộc phải thu hoạch tôm sớm hơn dự kiến để tránh rủi ro. Nhiều người nuôi cũng cho biết vụ này nông dân nuôi tôm khó, đa số không thành công từ lúc tôm còn nhỏ. Chính điều này lại dẫn đến thiếu nguồn cung tôm cỡ lớn cho chế biến xuất khẩu nên giá tôm thẻ ở các size lớn lại tăng nhẹ.

Nguồn: Sunjin Aqua – Marketing

Biểu đồ giá tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg (giá cập nhật đến trung tuần tháng 6)

            Trong khi đó, giá tôm càng xanh cũng đang giảm mạnh so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, giá tôm hiện tại vẫn ở mức ổn định so với những năm trước, với giá tôm càng hiện tại thì người nuôi vẫn thu được lợi nhuận. Giá tôm càng xanh những tháng đầu năm tăng cao, có lúc lên hơn 200,000 VND/kg là do thiếu hụt nguồn cung. Thời điểm giữa năm trước, do tác động từ Covid và các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn Covid lây lan giá tôm càng xanh giảm thấp gây nên tâm lý lo lắng cho người nuôi, nhiều nông dân lựa chọn neo ao chờ giá mà không thả vụ mới nên đầu năm nay, khi các lệnh giãn cách được giở bỏ, xã hội dần quay về lối sống bình thường bên cạnh đó là các dịp lễ tết, sức tiêu thụ tăng mạnh lại không có nhiều nguồn cung nên giá tôm bất ngờ tăng mạnh. Hiện tại, đã vào vụ nguồn cung cũng tăng lên nên giá tôm càng dần quay về mức bình thường như những năm trước.

Nguồn: Sunjin Aqua – Marketing

Biểu đồ giá tôm càng xanh cỡ 10 con/kg (giá cập nhật đến trung tuần tháng 6)