Góc Sunjin: Những tin tức nổi bật
Ngày 25/08/2023 Sunjin đã tổ chức thành công hội thảo nhằm giới thiệu các chức năng của Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới Thủy sản-AIC cũng như hỗ trợ kỹ thuật tại khu vực U Minh Thượng – Kiên Giang. Sunjin rất cảm ơn Quý đại lý đã hỗ trợ cũng như Quý khách hàng đã dành thời gian tham dự chương trình của chúng tôi.
Bên cạnh đó bộ phận VC vẫn tích cực hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng.
Con tôm Việt trong tình hình thị trường khó lường
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), ước tính hết tháng 8/2023, doanh số xuất khẩu (XK) đạt gần 5,8 tỷ USD, thấp hơn gần 25% so với 8 tháng đầu năm 2022. Riêng trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 846 triệu USD, tuy vẫn giảm hơn 15% so với tháng 8/2022, nhưng là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua và doanh số cao hơn hẳn so với những tháng trước. Riêng về tôm, tháng 8 xuất khẩu tôm giảm 19% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm, mặt hàng này mang về lượng ngoại tệ gần 2,2 tỷ USD, giảm 28%.
Nguồn: Sunjin Aqua Marketing
Tình hình xuất khẩu tôm Việt Nam 2020 – 2023
Xuất khẩu tôm tuy chưa đột phá, nhưng 3 tháng gần đây có doanh số cao hơn hẳn so với những tháng đầu năm. Sự khởi sắc thể hiện rất rõ rệt ở thị trường Mỹ, khi mà doanh số tăng liên tục qua các tháng. XK tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có tín hiệu tăng từ tháng 3 nhưng không duy trì được đà tăng liên tục.
Sau khi tăng trưởng âm liên tục trong suốt 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 7 đã ghi nhận mốc tăng trưởng dương đầu tiên với mức tăng 14%. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc & HK trong tháng 7 cũng ghi nhận tháng tăng trưởng dương thứ hai kể từ đầu năm với mức tăng 49%.
Tuy nhiên tại Hội thảo Quốc tế Ngành tôm doVASEP tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Vietfish 2023 vào ngày 23/8/2023, TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQTCTCP Thực phẩm Sao Ta nhận định tình hình ngành tôm sẽ còn gặp khó khăn vì trong năm nay, ngành nuôi tôm Việt Nam phải đối diện với dịch bệnh lây lan mạnh khiến tỷ lệ chết nhiều, cộng thêm chi phí thức ăn tăng cao kéo theo giá thành nuôi tôm tăng. Cùng lúc đó, giá tôm nguyên liệu tại đầm liên tục giảm khiến người nuôi không an tâm trong việc tái thả giống, điều này sẽ làm thiếu hụt nguồn cung tôm trong những tháng cuối năm.
Hiện tại cũng đã qua cao điểm của mùa cung ứng tôm nguyên liệu. Từ nay đến cuối năm, tôm nguyên liệu của các cường quốc nuôi tôm sẽ giảm dần. Như vậy, nguồn cung giảm và những nhà nhập khẩu ít lựa chọn hơn. Do đó, xu thế hiện tại là các nhà nhập khẩu đang tích trữ dần. Ngoài ra, mùa lễ hội cuối năm đang đến gần, nhu cầu cũng sẽ tăng lên.
Xu thế tiêu thụ tôm của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm đang có dấu hiệu tốt. Đây là giai đoạn có nhiều lễ hội. Mảng dịch vụ, vui chơi, nhà hàng ưa chuộng tôm chế biến sẵn. Điều này phù hợp với thế mạnh của Việt Nam là tôm chế biến sâu.
Tuy nhiên, ông cho rằng còn nhiều yếu tố bất định, ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm như tốc độ phục hồi nền kinh tế thế giới, liệu rằng lạm phát có ngừng tăng cao hay không. “Không ai có thể trả lời câu hỏi này. Do đó, nhiều chuyên gia vẫn chưa có nhận định triển vọng giá tôm từ nay đến cuối năm ra sao. Chúng ta nên coi 2024 là năm bản lề của sự phục hồi bởi dù kỳ vọng 6 tháng cuối năm nhu cầu tăng lên nhưng vẫn khá mong manh do còn nhiều yếu tố bất định. Khó khăn của ngành tôm sẽ còn theo đuổi đến giữa năm sau”, ông nói. Bên cạnh đó, hiện tượng El Nino sẽ tác động đến tình hình nuôi tôm của nhiều nước, trong đó có cả Việt Nam. Vì vậy, Ngành tôm Việt cần phát huy được những thế mạnh vốn có cũng như các doanh nghiệp chế biến cần phải tìm ra được hướng đi mới để giảm sự cạnh tranh. Ông cho rằng cần cải thiện con giống, qua đó cải thiện tỷ lệ nuôi thành công. Trong đó, cơ quan nhà nước cần quản lý chặt chẽ các trang trại bán con giống, ngăn chặn việc bán con giống kém chất lượng khiến tỷ lệ sống thấp.
Nhãn
Tin tức liên quan