Góc Sunjin: Những tin tức nổi bật

Tháng 10 này là một thời điểm mang đầy ý nghĩa đối với Sunjin vì đây là thời điểm để chuẩn bị khởi động các chương trình, hoạt động nhằm tiến tới định hướng phát triển cho năm sau. Đặc biệt, tháng 10/2023 còn ý nghĩa hơn nữa khi đây là thời điểm đánh dấu Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Tập Đoàn Sunjin (10/10/1973 – 10/10/2023).

Xuất khẩu đang dần phục hồi

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ. Riêng về tôm, có thể thấy xuất khẩu tôm đang dần phục hồi và trở lại đường đua. Xuất khẩu tôm tháng 9 ước đạt 351 triệu USD, tương đương với cùng kỳ 2022.

Nguồn: Sunjin Aqua Marketing

Tình hình xuất khẩu tôm Việt Nam 2020 – 2023

Tính tới hết tháng 9/2023, Xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu trong những tháng gần đây có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước. Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và xuất khẩu sang 2 cường quốc này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Một số thị trường chính trong khối CPTPP như Nhật Bản, Australia, Canada cũng đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Kết quả tiêu thụ tháng 9 đã cho thấy tỉ lệ sụt giảm so với cùng kỳ thu hẹp dần qua các tháng. Tuy nhiên kết quả sau 9 tháng mới đạt 75% so với 2022. Trong chuyên mục “ Góc nhìn chuyên Gia” của bản tin Vasep, Tiến sĩ Hồ Quốc Lực -Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN cũng đã đề cập “thành quả năm nay xoay quanh con số 85-90% so với năm ngoái”. Theo ông, nhận định này là phù hợp và khó lòng tốt hơn. Bởi theo chu kỳ, lúc này bước vào cao điểm giao hàng, nhưng đơn hàng tuy có tăng nhưng không tăng mạnh và nhất là giá cả chưa cải thiện. Nguyên nhân, tuy đã vào lúc thấp điểm cung ứng tôm nguyên liệu nhưng kho hàng các nước, nhất là Ecuador vẫn còn tốt. Mặt khác, tình hình lạm phát chưa có dấu hiệu trở lại bình thường, thậm chí đồng yên đang ở mức thấp kỷ lục (148 yên/USD) trong khi Nhật Bản là thị trường trọng điểm lúc này. Đó cũng là lý do vì sao lúc này tôm nuôi của chúng ta giảm lượng mạnh, nhưng không có tình trạng thiếu nguyên liệu ở các doanh nghiệp chế biến, bởi nhu cầu không cao và còn nguyên liệu dự trữ trong kho.

Tuy nhiên, chúng ta có thể đặt kỳ vọng cho sự phục hồi của xuất khẩu vào 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc – 2 thị trường này đang tiếp tục ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), Mỹ nhập khẩu 69.501 tấn tôm trong tháng 7/2023, tăng 3% so với tháng 7/2022. Lần đầu tiên sau 13 tháng, khối lượng nhập khẩu tôm của Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 7 năm nay vẫn giảm 8% so với tháng 7/2022. Giá trung bình tôm nhập khẩu đạt 8,22 USD/kg, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tiêu thụ ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) của nước này nhìn chung ổn định trong nửa đầu năm 2023. Tính đến tháng 7/2023, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) tại Hoa Kỳ đã tăng 10% so với thời điểm đầu năm nay. Điều này cùng với thời điểm mùa lễ hội cuối năm sẽ là những tín hiệu tích cực đối với triển vọng tăng trưởng tiêu thụ ngành F&B của Hoa Kỳ trong nửa cuối năm nay.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc & Hong Kong tháng 8/2023 đạt 56 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc & Hong Kong đạt 393 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu tôm nói chung vào thị trường Trung Quốc vẫn trên đà tăng trưởng. Lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 591.827 tấn, trị giá 3,33 tỷ USD, tăng 38% về sản lượng và 19% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.