Lựa chọn con giống là một trong những khâu quan trọng quyết định thành công của vụ nuôi, bởi chất lượng con tôm giống không nhiễm bệnh hay gặp bất cứ vấn đề gì là một trong những yếu tố tiên quyết quyết định cho sự thành công vụ nuôi, tốc độ tăng trưởng của tôm, tỷ lệ sống cũng như chi phí thuốc.

Lựa chọn loại tôm giống phù hợp với mô hình nuôi 

            Mô hình nuôi thả mật độ thưa, nuôi ao đất hay ao chỉ trải bạt bờ: điều kiện an toàn sinh học chưa cao. Nếu chọn tôm sú nên chọn tôm có nguồn gốc bố mẹ tại bản địa hay tôm có nguồn gốc chịu biến đổi môi trường cao. Còn đối với tôm thẻ, nên chọn loại tôm có khả năng kháng bệnh, tùy theo mùa mà chọn tôm giống kháng bệnh phù hợp. Chẳng hạn, mùa nóng nên chọn tôm có khả năng kháng bệnh đường ruột, gan như EMS hay AHPNS. Mùa lạnh thì chọn tôm có khả năng kháng bệnh với WSSV, IHHNV….

Mô hình ao tôm trải bạt, nuôi siêu thâm canh: điều kiện an toàn sinh học cao, có thể chọn tôm sạch bệnh và có tốc độ tăng trưởng nhanh để nuôi.

Mô hình nuôi quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái, tôm xen ghép những dòng tôm nuôi có kích cỡ lớn, bơi nhanh hay vùi tốt sẽ thích hợp với điều kiện tự nhiên và có khả năng chống chọi với địch hại.

Chọn tôm giống chất lượng là điều kiện cần thiết để có ao tôm khỏe mạnh, phát triển và sinh trưởng tốt, cho năng suất cao.

Khi con giống kém chất lượng:

  • Nuôi một thời gian, tôm dễ phát sinh bệnh vì đã mang mầm bệnh trong cơ thể từ trước như (tôm chậm lớn và phân đàn, đốm trắng WSSV, hoại tử gan tụy cấp AHPNS, Bệnh còi MBV, vi bào tử trùng – EHP, bệnh IHHNV …)
  • Tôm chậm lớn – phân đàn dẫn đến chi phí nuôi tăng cao
  • Tỉ lệ sống thấp
  • Tôm kém chất lượng đi kèm sức đề kháng yếu, sức chống chịu với môi trường kém dẫn đến việc mang về thả ở ao mới với môi trường mới khiến tôm bị sốc và chết rãi rác. Khả năng đề kháng với mầm bệnh và sự thay đổi môi trường kém.

Yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tôm giống:

  • Chất lượng tôm giống bố mẹ: thường những nơi sản xuất tôm giống kém chất lượng sẽ lựa chọn nguồn tôm giống không rõ nguồn gốc, khiến cho việc kiểm soát chất lượng khó khăn.
  • Kỹ thuật sinh sản: mỗi trại giống thường có một kỹ thuật giúp tôm sinh sản riêng cho chất lượng tôm giống tùy vào cơ sở sản xuất.
  • Vận chuyển tôm giống: hình thức vận chuyển và thời gian vận chuyển (ngắn – dài) làm ảnh hưởng đến chất lượng tôm giống, tôm đi đường dài, nhiệt độ, oxy, các yếu tố bên ngoài tác động, … cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng tôm.
  • Cơ sở vật chất nơi sản xuất tôm giống cũng quyết định chất lượng của tôm giống: từ hệ thống oxy, hệ thống vật tư đến kỹ thuật phải tạo điều kiện tốt nhất cho tôm bố mẹ sinh sản để có được con giống chất lượng.

Truy xuất nguồn gốc con giống 

            Chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, tại các cơ sở sản xuất uy tín là yếu tố tiên quyết hàng đầu. Phải có đầy đủ các giấy tờ xét nghiệm chứng minh sạch bệnh ở tôm bố mẹ và tôm giống sản xuất.

Khi chọn tôm giống, người nuôi cần nắm thông tin về nguồn gốc bố mẹ xuất xứ rõ ràng, quy trình nuôi và các loại thức ăn chúng đã sử dụng để đảm bảo chúng là những con tôm giống chất lượng, khỏe mạnh, có khả năng sống tốt.

Phương pháp kiểm tra chất lượng tôm giống:

  • Quan sát bằng mắt thường:Tôm giống bơi lội linh hoạt, ruột đầy, màu sắc đẹp; tôm bơi khỏe ngược dòng nước, bám vào thành bể tốt; phụ bộ tôm hoàn chỉnh (đầy đủ các bộ phận). Khi gõ nhẹ vào thành dụng cụ chứa tôm, nếu tôm phản ứng nhanh nhẹn thì đó là nguồn tôm giống khỏe. Ngược lại, tôm lờ đờ, không phản ứng thì đó là nguồn tôm không khỏe.

Quan sát con giống bằng mắt thường nên để trong ly thủy tinh và xem ngược sáng

*Đuôi tôm: Nếu một con tôm giống khỏe mạnh đuôi có thể thấy rõ xòe mở. Nếu các đuôi khép kín, chứng tỏ tôm giống này không được phát triển đầy đủ để thả giống.

*Kích thước: tôm thẻ chân trắng thả thường là P12 đến P15 thường có chiều dài 9-11 mm (tôm Sú là P15 – P20 chiều dài 15-18mm), kích cỡ đồng đều không dị hình, đúng giai đoạn hay không để tránh tình trạng tôm bị còi, hình dáng cân đối, râu thẳng kéo dài tận đuôi.

*Màu sắc: Tôm post thẻ chất lượng tốt có cơ thể trong suốt với sắc tố giống như nâu hoặc nâu sẫm (riêng tôm sú có màu nâu, nâu đen). Tôm có màu hồng hoặc màu đỏ có thể chỉ ra sự căng thẳng liên quan đến quá trình nuôi hoặc xử lý.

*Vỏ sạch không có màu sắc bất thường cho thấy tôm thường phát triển nhanh và lột xác thường xuyên.

– Kiểm tra bằng kính hiển vi: 

Ngay khi tôm vận chuyển đến nơi, thu thập 20 PL kiểm tra. Nên kiểm tra các thông số của nước trong các túi vận chuyển.

  • Sự mờ đục của chân bơi và cơ đuôi: dấu hiệu rõ ràng của sự căng thẳng là sự thay đổi độ mờ đục của cơ đuôi. Thông thường, cơ đuôi sẽ trong suốt với một vài đốm sắc tố. Tuy nhiên, khi bị căng thẳng, cơ đuôi và chân bơi có thể trở thành mờ đục hoặc hoàn toàn trắng.
  • Tỉ lệ cơ ruột (đốt bụng thứ 6): Kiểm tra bằng kính hiển vi về độ dày tương đối của cơ bụng và ruột ở đoạn bụng thứ 6 của đuôi PL nên được tiến hành để xác định tỷ lệ giữa cơ và ruột.
  • Quan sát màu sắc cơ thịt của tôm dưới kính hiển vi: không có dấu hiệu mờ đục của cơ thịt, chân bơi hay đuôi là biểu hiện của tôm giống không bị stress và khỏe mạnh để lựa chọn.
  • Các biến dạng cơ thể: dưới kính hiển vi chúng ta có thể quan sát rõ hơn các biến dạng cơ thể của tôm. Mặc dù dị tật không liên quan trực tiếp đến căng thẳng, một số lượng lớn PL bị biến dạng trong bầy tôm có thể là dấu hiệu của các bệnh mãn tính. Các dị tật cũng có thể được sử dụng như một chỉ báo cho các ước tính tỷ lệ sống trong tương lai trong ao nuôi.
  • Màu sắc gan tụy: quan sát màu sắc gan tụy tôm để xem chất lượng tôm, màu sắc đậm và rõ rệt biểu hiện tôm khỏe mạnh. Sự hiện diện của gan tụy tôm lớn với một số lượng lớn tế bào lipid được coi là một dấu hiệu của sức khỏe tốt. Các gan tụy không nên trong suốt và nên có màu vàng đậm.

– Kiểm tra bằng phương pháp stress test: Formalin test: Sốc bằng Formalin 100ppm, sốc độ mặn giảm tới 5ppt.

– Kiểm tra bằng PCR: Không nhiễm WSSV, MBV, EHP, TSV, IHHNV, HPV… Vibrio

Kiểm tra chất lượng tôm giống khi vận chuyển về ao nuôi:

+ Các bao tôm giống về ao ương còn nguyên vẹn, đủ lượng oxy, tôm khỏe mạnh bơi phân tán đều trong bao.

+ Kiểm tra lại pH và độ mặn của 3 túi tôm giống bất kỳ và độ mặn của ao ương để có biện pháp xử lý (thuần) trước khi thả giống tôm.

Lưu ý: Trước khi bắt giống 3 ngày, cần thông báo với cơ sở sản xuất giống các chỉ số môi trường nước trong ao ương – ao nuôi (pH, độ mặn) để cơ sở sản xuất thuần hóa giống phù hợp với điều kiện môi trường nuôi.

Trên đây là những kinh nghiệm về cách chọn tôm giống khỏe mạnh, chất lượng. Chúc bà con chọn được nguồn tôm giống tốt và chăn nuôi thuận lợi, đạt năng suất cao.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới Thủy sản – AIC (Sunjin)