Dự báo tình hình thị trường tôm dịp cuối năm và quản lý ao nuôi tôm trong mùa mưa
TIN TỨC SUNJIN
Số E11 – 11/2021
Dự báo tình hình thị trường tôm những tháng cuối năm
Năm 2021 lại tiếp tục là một năm đầy khó khăn của ngành tôm thế giới nói chung và ngành tôm Việt nói riêng khi chịu những tác động nề từ đại dịch, bên cạnh đó là những bất lợi từ biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra. Mặc dù vậy, ngành tôm Việt đã có những bước phục hồi đáng kể từ đầu quí 4. Tháng 10, xuất khẩu tôm đã phục hồi trở lại sau hơn 2 tháng giảm sâu do chỉ thị 16, cụ thể giá trị xuất khẩu tháng 10 đạt 425 nghìn USD, tăng 1,4% so với cùng kì và tăng hơn 20% so với tháng 9. Tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng đạt gần 3,2 tỷ USD tăng 3% so với cùng kỳ.
Nguồn: Aqua marketing team
Giá trị và tỷ trọng xuất khẩu ngành tôm trong 10 tháng năm 2021
Thời điểm hiện tại, giá tôm nguyên liệu tại các nước xuất khẩu tôm chủ lực không ngừng tăng do những ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu làm thiếu hụt nguồn cung bên cạnh đó là tác động từ Covid. Các quốc gia là những thị trường nhập khẩu tôm cũng đang dần mở của trở lại và lựa chọn cách sống chung với đại dịch thông qua việc tiêm phủ vaccine và tiêm nhắc lại liều thứ 3. Những điều này sẽ mở ra cơ hội cho ngành tôm Việt trong những tháng cuối năm khi nước ta có được những thế mạnh về các FTA (Hiệp định thương mại tự do) để cạnh tranh trong thị trường tôm thế giới. Tuy nhiên, cơ hội này sẽ không kéo dài quá lâu khi giai đoạn vụ tôm chính bắt đầu lại vào năm sau và các chuỗi cung ứng dần ổn định trợ lại nên các nhà cung cấp trong nước cần tận dụng cơ hội hiện tại.
Ngay từ sau khi ngừng áp dụng các chỉ thị giãn cách xã hội, các nhà máy chế biến phục hồi trở lại thì giá tôm trong nước đã phục hồi và tăng trở lại sau thời gian dài giảm sâu. Giá tôm tăng là điều tất yếu khi các nhà chế biến phải tăng sức mua để đáp ứng các đơn hàng dịp cuối năm. Và giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng vào thời điểm cuối năm do không có nhiều nguồn cung tôm như thời điểm chính vụ, thêm vào đó đa phần người nuôi sẽ lựa cho nuôi với mật độ thấp để hạn chế sự tác động từ điều kiện thời tiết không thuận lợi và dịch bên khi nuôi trái vụ. Bên cạnh đó, dịp cuối năm là thời điểm của nhiều dịp lễ hội lớn ở trong và ngoài nước nên sức mua sẽ tăng.
Nguồn: VASEP
Giá tôm thẻ chân trắng Việt Nam tuần 41 – 42
Chuyên mục kỹ thuật: Quản lý ao nuôi trong mùa mưa
Tác động do trời mưa ảnh hưởng đến ao nuôi tôm
Khi trời mưa, đặc biệt là mưa lớn kéo dài dẫn đến sự biến động mạnh các yếu tố môi trường trong ao nuôi như: Nhiệt độ nước, oxy, pH, độ kiềm và độ mặn đều suy giảm; sinh ra nhiều khí độc H2S, NH3, NO2; tôm lột xác nhiều và đồng loạt làm tôm dễ mềm vỏ; suy giảm sức đề kháng làm tôm dễ nhiễm bệnh.
Kĩ thuật quản lý
– Trước khi trời mưa cần tiến hành bón vôi nóng CaO, CaCO3, Dolomite 10-20kg/1000m2 tùy điều kiện ao nuôi để tránh suy giảm độ kiềm và ổn định pH; Đối với ao đất cần bón vôi quanh bờ ao để hạn chế sự rửa trôi. Tiến hành tháo nước mặt đối với mưa lớn kéo dài để không làm giảm độ mặn nước ao, cần bổ sung muối hạt 25kg/1000m2
– Tăng cường sục khí, quạt nước tối đa để hạn chế phân tầng nhiệt độ và đảm bảo cung cấp đủ oxy cho ao nên sử dụng oxi viên đề phòng mưa lớn vào ban đêm 2-3kg/1000m3; tránh sinh ra khí độc và tảo quang hợp trong điều kiện ao nuôi thiếu oxi do trời mưa.
– Cần điều chỉnh lượng ăn sao cho phù hợp, chỉ cho ăn 30-50% khẩu phần ăn hằng ngày tránh dư thừa vì trời mưa lớn làm tôm dễ stress, suy giảm sức đề kháng cũng như giảm ăn. Nên bổ sung đồng thời vitamin C và khoáng chất vào các cử ăn để tăng cường sức khỏe tôm và hỗ trợ khi tôm lột xác đồng loạt làm tôm dễ mềm vỏ do môi trường nước biến động.
– Sau khi mưa nên siphon bớt chất thải hữu cơ dưới đáy ao đồng thời tiến hành cấy lại hệ vi sinh trong ao để kích thích vi khuẩn có lợi phát triển và ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại và tăng cường quá trình phân hủy chất hữu cơ trong ao.
Nhãn