Số E08 – 08/2021
TIN TỨC SUNJIN
Số E08-08/2021
Những thách thức của ngành tôm Việt trong bối cảnh dịch bệnh
Nguồn: Sunjin – Aqua Marketing
Giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2020 – 2021
Giá trị xuất khẩu tôm tháng 7 giảm 3,7% so với cùng kì. Tổng tích lũy đến tháng 7 là 2,1 triệu USD tăng 11% so với cùng kì năm trước.
Nguồn: Sunjin – Aqua Marketing
Sản lượng tôm nuôi Việt Nam năm 2020 – 2021
Tổng sản lượng thu hoạch tôm các loại trong tháng 7 là 110 nghìn tấn, tăng 1% so với cùng kì nhưng lại giảm 5% so với tháng trước. Tổng sản lượng tôm 7 tháng đầu năm đạt 481 nghìn tấn, tăng 12% so với cùng kì. Trong đó, tôm thẻ chiếm hơn 65%, tôm sú chiếm hơn 30%, còn lại là các loài tôm khác.
Trong tháng 7, cả giá trị xuất khẩu lẫn sản lượng tôm thu hoạch đều giảm. Đây là vấn đề chung của nền kinh kế nước ta ở thời điểm hiện tại do phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh dịch bệnh. Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, Chính phủ ban hành chỉ thị 16 nhằm phòng chống Covid thì con tôm Việt phải đối mặt với những khó khăn của trong và ngoài nước. Trên trường quốc tế là cuộc chiến Mỹ – Trung vẫn chưa có hồi kết cùng những bất ổn ở khu vực Trung Đông, sự bùng phát dịch bệnh trở lại dù chưa nghiêm trọng ở 1 số khu vực cũng gây ra không ít khó khăn. Còn trong nước, ngay sau khi các chị thị giản cách xã hội được áp dụng, giá tôm cũng bắt đầu giảm kèm theo đó là hàng loạt khó khăn trong mọi khâu từ nuôi cho cho đến chế biến, xuất khẩu tôm. Người nông dân thì lo lắng khi giá tôm cứ giảm từng ngày do khó khăn trong vận chuyển, tìm thương lái mua tôm.. hoặc thu hoạch trong khi thu tôm cần tập trung đông người. Thương lái không thể thu mua tôm hoặc chỉ mua với lượng rất ít do không thể tìm được đầu ra vì nhiều chợ đầu mối và chuỗi cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống dừng hoạt động. Doanh nghiệp sản xuất thức ăn công nghiệp và chế biến xuất khẩu thì phải gồng gành nhiều khó khăn trong tiến hành “3 tại chỗ” khi mà phải giảm lượng lao động đảm bảo giãn cách. Nhiều doanh nghiệp lại gặp khó khăn khi không thể thuyết phục công nhân ở lại nhà máy nên đành giảm công suất nhà máy hoặc tạm dừng hoạt động. Một số doanh nghiệp chế biến cho biết “do không đủ công nhân nên nhiều sản phẩm không sản xuất được, không giao được hàng cho đối tác, công nhân thì đòi về vì không chịu nổi sự tù túng. Hơn nữa, số lao động ở lại được gom từ nhiều khâu nên không chuyên, dẫn đến năng suất lao động không cao so với bình thường, lượng tôm mua vào giảm. Trong khi, tất cả các chi phí như: ăn ở, sinh hoạt, tiền bồi dưỡng chi phí phòng, chống dịch… đều tăng mạnh”. Ông Nguyễn Đăng Khoa, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Thái Hòa cho biết: “Do quy định giãn cách nên việc đi lại thu hoạch tôm cũng rất khó khăn vì không tìm được người đi thu tôm, còn nếu tìm được khi qua địa bàn khác cũng bắt phải có kết quả test âm tính, làm tăng chi phí thu mua nên nhiều thương lái ngại thua lỗ. Khổ nhất là những hộ nuôi nhỏ lẻ, sản lượng ít, đến kỳ thu hoạch rất khó để tìm được thương lái vì lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí” (Nguồn: Tạp chí Thủy Sản Việt Nam).
Nhìn chung, những khó khăn này đều từ việc áp dụng các chỉ thị giãn cách, chỉ cần sau khi các chỉ thị được dở bỏ, cuộc sống được khôi phục lại trạng thái bình thường thì giá tôm cũng sẽ phục hồi trở lại. Đặc biệt, giá tôm có thể sẽ tăng mạnh, do hiện tại lượng tôm mua vào của các doanh nghiệp chế biến ít nên sau khi phục hồi hoạt động, lượng tôm nguyên liệu không còn đủ phải đẩy mạnh thu mua, thêm vào đó dịp cuối năm là mùa lễ hội nên nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, tại thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện tại thì việc tuân thủ các quy định giãn cách là tối cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân của mỗi chúng ta và gia đình. Đồng thời, việc tuân thủ các qui định giản cách phòng chống Covid cũng sẽ góp phần đưa cuộc sống trở trạng thái bình thường.
Chuyên mục kỹ thuật – Bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi
Bệnh chết sớm (Early Mortality Syndrome – EMS) hay hoại tử gan tụy cấp tính (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease – AHPND) thường phát hiện ở giai đoạn tôm nuôi khoảng 20 – 30 ngày sau khi thả giống. Bệnh EMS/AHPND đe dọa nghiêm trọng ngành công nghiệp nuôi tôm ở châu Á (bao gồm Trung Quốc (2009), Việt Nam (2010), Malaysia (2011), Thái Lan (2012) và Philippine (2015)) và một số nước khác trên thế giới như Mexico (2014). Tỷ lệ tôm chết do nhiễm bệnh có thể lên đến 90% trên tôm thẻ chân trắng, tôm sú và đã gây nên những tổn thất kinh tế đáng kể cho người nuôi tôm.
Tại Việt Nam, bệnh EMS/AHPND được phát hiện trên tôm sú (Penaeus monodon) và tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) ở các vùng nuôi tôm trên cả nước với cùng dấu hiệu bệnh lý đến gan tụy của tôm.
1. Tác nhân gây bệnh
Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có độc tố Photorhabdus insect – related (PirA và PirB) nằm trong plasmid được cho là tác nhân chính gây ra bệnh EMS/AHPND ở tôm (Loc Tran và ctv, 2013; Yang và ctv, 2014; Lee và ctv, 2015). Vibrio parahaemolyticus là vi khuẩn Gram âm, hình que ngắn, có thể di động, dương tính với các chỉ tiêu oxidase và catalase, lên men đường trong điều kiện hiếu khí và kỵ khí. Vibrio parahaemolyticus có khả năng chịu đựng với các độ mặn, nhiệt độ và dễ dàng đeo bám trên các sinh vật phù du di chuyển theo dòng chảy. Vi khuẩn V. parahaemolyticus được truyền qua đường miệng và sau đó khu trú trong hệ tiêu hóa của tôm, tạo ra độc tố gây ra sự phá hủy cấu trúc mô gan tụy (Loc Tran và ctv, 2013). Tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây cho thấy một số loài vi khuẩn Vibrio khác như V. vulnificus, V. fluvialis, V. cholerae và V. alginolyticus cũng có liên quan đến sự xuất hiện của bệnh EMS/AHPND.
Nghiên cứu của Tiến Sĩ Lightner (2012) cho thấy dòng vi khuẩn V. parahaemolyticus gây bệnh trên tôm không chứa độc tố gây bệnh cho người. Điều này có nghĩa là vi khuẩn này không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Vi khuẩn V. parahaemolyticus mang độc lực phân lập trên môi trường Chromagar Vibrio từ tôm có biểu hiện EMS/AHPND ở Trần Đề, Sóc Trăng
2. Dấu hiệu bệnh lý
– Tôm bệnh có dấu hiệu lờ đờ, bỏ ăn
– Gan tụy teo và có màu sắc nhợt nhạt
– Ruột trống và có hiện tượng mềm vỏ
– Tôm có thể chết trong vòng 2 – 3 ngày sau khi nhiễm bệnh
Tôm có biểu hiện gan nhạt màu. Kết quả kiểm tra cho thấy có sự hiện diện của vi khuẩn V. parahaemolyticus mang độc lực gây bệnh EMS/AHPND
3. Kiểm soát bệnh AHPND trên tôm
Để kiểm soát dịch bệnh trên tôm người nuôi đã sử dụng các loại kháng sinh với nhiều nồng độ khác nhau. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, hiệu quả của việc sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh trên tôm vẫn không cao. Việc sử dụng kháng sinh rộng rãi và lâu dài dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh của vi khuẩn. Phần lớn các loại kháng sinh sẽ được trộn vào thức ăn, khi đó kháng sinh này sẽ tồn tại trong cơ thể tôm nuôi cũng như các sản phẩm chế biến từ tôm sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài ra, dư lượng kháng sinh vượt quá mức quy định sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất và xuất khẩu, gây thiệt hại khá lớn về mặt kinh tế.
Một số biện pháp bền vững, an toàn sinh học để khống chế bệnh EMS/AHPND trong ao nuôi tôm như sau:
– Sử dụng tôm giống sạch bệnh, có sức đề kháng cao.
– Xử lý nguồn nước nuôi tôm triệt để, tránh sự lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài vào khu nuôi tôm.
– Hạn chế sự phát triển quá mức của tảo trong ao nuôi nhằm tránh sự biến động pH trong ngày quá cao cũng như sự nguy hiểm khi tảo trong ao chết hàng loạt.
– Kiểm soát lượng thức ăn trong ngày, tránh tình trạng cho ăn dư thừa dẫn đến ô nhiễm môi trường nước ao nuôi.
– Kiểm soát các khí độc như NH3, NO2 trong môi trường nước vì một số nghiên cứu cho thấy sự phát triển của các vi khuẩn Vibrio có sự tương quan thuận với hàm lượng khí độc trong ao nuôi tôm.
– Thường xuyên kiểm tra mật độ vi khuẩn Vibrio trong môi trường nước ao nuôi, không để mật độ vi khuẩn Vibrio vượt quá 103 cfu/mL.
– Hạn chế sử dụng kháng sinh trong việc phòng bệnh vì kháng sinh có thể tiêu diệt cả các loại vi khuẩn có lợi khác trong ao và dẫn đến sự kháng sinh trên vi khuẩn gây bệnh.
– Ứng dụng chế phẩm sinh học nhóm Bacillus, Lactobacillus trong nuôi tôm. Quá trình khống chế sinh học là những dòng vi khuẩn có ích để lấn át, kìm chế, và có tác động đối kháng lên dòng vi khuẩn có hại. Bên cạnh đó, khi vi khuẩn có lợi phát triển với số lượng lớn trong đường ruột sẽ giúp tôm tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn, lấn át hoặc tiêu diệt vi khuẩn có hại cho đường ruột, giúp ổn định hệ vi sinh vật đường ruột, làm tăng các vi khuẩn có ích (các vi khuẩn sản sinh vitamin, chất kháng khuẩn, vi khuẩn phân giải đường bột…), làm giảm các vi khuẩn có hại (các vi khuẩn cạnh tranh thức ăn, sinh chất độc…). Trong nuôi thủy sản, chế phẩm sinh học còn là sản phẩm xử lý môi trường, giúp cho môi trường ao nuôi thuận lợi cho sự phát triển của tôm.
– Ngoài ra, có thể sử dụng một số sản phẩm có chứa acid hữu cơ, tinh dầu… ngay từ đầu vụ và thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho tôm và ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh.
Nhãn
Tin tức liên quan
07 tháng 09 2024
🌟 Bữa trưa kết nối – Sẻ chia niềm vui cùng Sunjin Harmony Lunch 🌟
24 tháng 08 2024
🌟 LEADERSHIP CONFERENCE 2024 – TƯ DUY HỆ THỐNG CHO NHÀ LÃNH ĐẠO 🌟
21 tháng 08 2024