Xuất khẩu tôm và góc nhìn từ các chuyên gia

            Năm tháng đầu năm 2023, nhiều mặt hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản chính có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thuỷ sản 3,47 tỷ USD, giảm 25,9%; nói riêng về tôm cũng chỉ đạt 1,22 tỷ USD, giảm 34,4% so với cùng kì năm 2022. Xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng âm từ đầu năm 2023, lý giải cho tình trạng này là những nguyên nhân khách quan như lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; là mức cung ứng tôm giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ ngày càng nhiều tạo áp lực quá lớn để giá cả không thể phục hồi. Đồng thời các kho hàng của các hệ thống phân phối lớn các thị trường tiêu thụ lớn còn khá đầy.

Nguồn biểu đồ: Sunjin Aqua – marketing team

Giá trị xuất khẩu tôm qua các năm 2020 – 2023

            Xuất khẩu giảm ngay từ đầu năm, nhưng thời điểm đó giá tôm vẫn ở mức cao. Hai tháng trở lại đây, giá tôm bắt đầu giảm mạnh, đến nay mức giảm khoảng 40% cho tất cả cỡ tôm, người nuôi tôm lo lắng, nhiều nơi treo ao chờ giá. Giải thích cho tình trạng này, nhiều bên đã cùng thảo luận và đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhà chế biến nói do tỉ lệ nuôi thành công thấp khiến giá thành tôm nuôi cao đội giá thế giới nên khó tiêu thụ. Mắt xích khác cho rằng nhà chế biến ép giá mua người nuôi. Người nuôi nói nhà cung ứng tôm giống không sạch bệnh khiến tôm nuôi bị thiệt hại. Thương lái lại cho rằng do nhà chế biến nhập khẩu tôm giá rẻ từ Ấn Độ làm giảm sức mua tôm trong nước.

            Tạm không nói đến nguyên nhân nào là đúng, trước tiên cần tìm hiểu một số nguyên nhân khách quan như sau: Theo chia sẻ của Tiến sĩ Hồ Quốc Lực – nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN thì các nước Ecuador, Ấn Độ đều đưa ra tỉ lệ nuôi thành công cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so tỉ lệ nuôi thành công của chúng ta. Nuôi thành công phụ thuộc vào yếu tố chất lượng con tôm giống và môi trường nuôi, chủ yếu là nước nuôi. Họ có giá mua tôm thương phẩm từ các nhà chế biến, giá mua đó thấp hơn giá các nhà chế biến ta mua từ tôm của bà con nông dân trong nước từ 10.000 đến 30.000 đồng/kg. Giá bán của các nước này thấp do trình độ chế biến không bằng các công ty chế biến Việt Nam. Giá chúng ta bán cao nhất so các đối thủ nhưng do là tôm chế biến sâu nên mới có giá cao. Từ năng lực chế biến của các nhà chế biến ta là cao nên các nhà máy chế biến mới kham nổi việc mua tôm thương phẩm cao hơn so các nước khác. Tuy nhiên, hiện nay giá tôm thương phẩm các nước khác đang giảm do tình hình khách quan nêu trên, giá tiêu thụ quá thấp; buộc lòng các nhà chế biến tôm của ta phải mua giảm giá để còn sức cạnh tranh và nhất là còn để tồn tại.

            Nguyên nhân nữa là do chúng ta có con giống bố mẹ tốt, nhưng các cơ sở sản xuất tôm post kém chất lượng vẫn còn nhiều. Ngoài ra còn có sự chủ quan từ nhà cung ứng tôm giống, nhất là vài vụ nuôi vừa qua, một tỉ lệ tôm post nhiễm EHP từ cơ sở sản xuất. Tiếp nữa là thực trạng hoàn cảnh nuôi của ta; căn bản là nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Đều này dẫn đến không đủ nước sạch nuôi; dẫn đến nhiễm chéo vì không đủ hệ thống kênh cấp và thoát riêng; dẫn đến ô nhiễm môi trường cục bộ vì không đủ đất cho hệ thống xử lý nước thải, do đất từng hộ nhỏ. Hai yếu tố này, con giống kém chất lượng và thiếu nước sạch nuôi tôm là căn bản tạo nên tình cảnh hệ số thu hồi đầu con thấp, năng suất thấp, dĩ nhiên giá thành phải tăng lên. Song song đó, giá thành tăng lên còn do người nuôi thiếu vốn phải nhận sự đầu tư từ thương lái, phí tổn đầu vào tăng lên vài chục phần trăm là lẽ thường.

            Nguyên nhân khách quan & chủ quan đã tìm được, muốn ngành tôm phát triển bền vững thì bắt buột cần có sự hợp tác từ các bên: người nuôi tôm, nhà nước và doanh nghiệp chế biến, cung cấp thức ăn, con giống…Về giải pháp cho từng bên ông Lực cũng có nêu rõ trong phần “ Góc nhìn chuyên gia” trên bản tin tuần của Vasep. Về phía người nuôi tôm, ông Lực đưa ra giải pháp người nuôi (và nhà đầu tư người nuôi) phải chú trọng đầu vào có lựa chọn, chất lượng khá hơn. Nếu giá cả có cao hơn, thì thu hẹp quy mô nuôi theo khả năng. Nuôi ít mà chắc, từng bước mở rộng sau khi có tích luỹ. Song song cập nhật các quy trình nuôi có kết quả tốt để có thể ứng dụng theo hoàn cảnh. Bên cạnh đó người nuôi cũng nên chủ động theo dõi thị trường, cập nhật tình hình để có kế hoạch thả nuôi và thu hoạch phù hợp. Đặc biệt, người nuôi nên chú trọng từ các khâu đầu tiên trong quá trình nuôi để phòng ngừa và hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây cũng là một cách để giảm thiểu chi phí trong nuôi tôm.