Một số tin tức mới về Sunjin và tình hình xuất khẩu tôm 8 tháng năm 2022

TIN TỨC SUNJIN

Số E09 – 09/2022

Chuyên mục tin nhanh

            Sunjin chúng tôi vẫn đang không ngừng cố gắng cải tiến và duy trì chất lượng sản phẩm ổn định thông qua các hoạt động cũng như kiểm tra sản phẩm đầu ra trước khi xuất bán, định kì kiểm tra sản phẩm hàng tuần. Bên cạnh đó, kết hợp với hoạt động kiểm tra sản phẩm của các công ty trên thị trường, so sánh và tìm ra giải pháp tốt nhất để duy trì và cải tiến chất lượng sản phẩm của mình. Chúng tôi luôn mong muốn mang lại cho khách hàng sản phẩm với chất lượng và dịch vụ tốt nhất có thể. Vì đó là lời hứa của người Sunjin “ chúng tôi tạo ra giá trị khác biệt cho khách hàng”.

Sunjin kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm tại nhà máy

Thông báo

            Từ tháng 10, Trung Tâm Nghiên Cứu và Đổi Mới Thủy Sản (Aqua Innovation Center – AIC) sẽ chính thức đi vào hoạt động. Trung Tâm Nghiên Cứu và Đổi Mới Thủy Sản (Aqua Innovation Center – AIC) tọa lạc tại số 130B/4 Đường Trần Phú, Phường 7, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu – là trung tâm xét nghiệm bệnh trên động vật thủy sản được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 với các trang thiết bị máy móc tiên tiến cùng đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực Thủy sản. Với mục tiêu mang lại lợi ích cho người nuôi thông qua phương pháp chẩn đoán bệnh tiên tiến, nhanh, chính xác và trung thực, AIC cung cấp dịch vụ xét nghiệm bệnh trên động vật Thủy sản với tiêu chí “Đơn giản – Thực tế – Chất lượng” Chúng tôi nhận được ủng hộ từ Quý khách hàng.

Xuất khẩu (XK) tôm 8 tháng năm 2022

            Tháng 8/2022, XK tôm Việt Nam đạt hơn 398 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 24%. Mặc dù ghi nhận tăng trưởng nhưng XK tôm của Việt Nam tính tới tháng 8 năm nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về nguồn cung nguyên liệu, cước phí vận chuyển, giá thành sản xuất tăng cao trong khi nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Mỹ, EU chững trong bối cảnh lạm phát tăng cao, tăng trưởng kinh tế sụt giảm tại các nước này. XK tôm trong tháng 8/2022 vẫn ghi nhận tăng trưởng hơn 40% là do thời điểm này của cùng kỳ năm ngoái, nhiều doanh nghiệp chế biến, XK phải dừng hoặc giảm công suất hoạt động do giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.

Nguồn hình ảnh: Sunjin Aqua – Marketing

Biểu đồ giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam 2020 – 2022

            Tám tháng đầu năm nay, trong cơ cấu các sản phẩm tôm XK của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 75%, tôm sú chiếm 14%, còn lại là tôm biển. XK tôm biển tăng mạnh nhất 78% trong khi XK tôm chân trắng và tôm sú tăng lần lượt 21% và 11%. Trong top 10 thị trường NK tôm chính của Việt Nam, XK tôm sang Mỹ và Anh giảm, XK sang các thị trường còn lại đều tăng trưởng dương.

            Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu (NK) lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20%. XK tôm Việt Nam sang Mỹ bắt đầu chững từ tháng 5 và giảm liên tiếp từ tháng 6 đến tháng 8. NK tôm nói chung của Mỹ từ các nguồn cung cũng có xu hướng giảm sau khi tăng mạnh NK trong những tháng đầu năm nay. NK tôm của Mỹ trong tháng 7/2022 giảm 12% so với tháng 6 xuống 67.782 tấn. Con số này cũng thấp hơn 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA).

            Lí giải nguyên nhân cho sự chững lại này là lượng hàng tồn kho tại Mỹ đã đạt mức tối đa bởi những tháng đầu năm nhiều công ty tăng cường nhập hàng sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và cước tàu tăng cao. Tình hình bán hàng tại Mỹ cũng chậm nên các nhà nhập khẩu cũng chưa thực hiện nhiều các đơn hàng mới. Lạm phát tại Mỹ, tỷ giá biến động, chi phí bán hàng tăng cao đã khiến hoạt động XK tôm của Việt Nam sang Mỹ những tháng gần đây gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các đối thủ lớn trên thị trường Mỹ như Ecuador và Ấn Độ vừa có lợi thế về cước tàu vì ở vị trí gần, vừa có tôm giá rẻ.

Nguồn hình ảnh: VASEP

Top 10 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt nam, T1-T8/2022

            XK tôm sang Nhật Bản trong tháng 8 năm nay ghi nhận tăng trưởng 120% đạt hơn 67 triệu USD. Tính tới tháng 8 năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt 463 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. XK tôm sang Nhật Bản có vẻ khả quan hơn so với thị trường Mỹ và EU do cước tàu thấp hơn. Nhật Bản chuộng các sản phẩm chế biến sâu từ Việt Nam trong khi các đối thủ Ecuador và Ấn Độ trên thị trường Nhật Bản không có được lợi thế này.

            Có thể thấy, xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng trở lại sau đại dịch Covid 19. Nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức từ chiến tranh Nga – Ukraine, hệ lụy từ Covid 19, lạm phát hay suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đang ngày càng yêu cầu cao hơn không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn về các vấn đề về định hướng bền vững, truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm xã hội… Vì vậy, doanh nghiệp và người nuôi tôm cần không ngừng tìm kiếm giải pháp để giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững và đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao.