Tình hình xuất khẩu tôm Việt tháng 1/2022 và một số dự đoán về thị trường tôm
Chuyên mục kỹ thuật – Bệnh phân trắng trên tôm nuôi và biện pháp phòng ngừa

TIN TỨC SUNJIN

Số E02 – 02/2022

Tình hình xuất khẩu tôm Việt tháng 1/2022 và một số dự đoán về thị trường tôm

     Theo ước tính, tháng 1 năm 2022, xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục tăng nhưng tốc độ không cao do trùng vào dịp tết Nguyên Đán Nhâm Dần, về lượng xuất khẩu tôm đạt 260 nghìn tấn tăng 2,65%; về giá trị đạt 255 triệu USD tăng gần 3% so với cùng kì năm 2021.

     Dịch bệnh Covid vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường bởi các biến chủng mới, nhưng nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu của tôm thế giới trong năm 2022 dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao sẽ là yếu tố hỗ trợ cho ngành tôm Việt Nam.

     Hiện nay, diện tích nuôi tôm cả nước đạt 740 nghìn ha với sản lượng trên 900 nghìn tấn/ năm. Tính riêng sản lượng tôm sú đạt trên 250 nghìn tấn, đứng đầu thế giới. Dù diện tích nuôi tôm chỉ tăng khoảng 1,5%/năm, nhưng sản lượng tôm tăng mạnh trung bình 10% qua các năm. Điều này cho thấy qui trình nuôi tôm đã được cải thiện, năng suất tăng so với trước đây. Trên cơ sở đó, VASEP nhận định trong năm tới, ngành tôm có nhiều động lực để tăng trưởng khoảng 9%/năm; đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 5,6 tỷ USD.

     Ông Nguyễn Văn Kịch, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng đốc Công ty CP Thủy sản CAFATEX thông tin, năm nay các dự báo về thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật hay EU đều khả quan và thuận lợi nên có thể xem là bản lề cho sự phát triển, giúp Việt Nam trở thành nước sản xuất tôm lớn thứ 2 thế giới sau Ấn Độ. Hiện nay, trình độ chế biến của Việt Nam là hàng đầu thế giới nến tốc độ phát triển sẽ rất nhanh, thời gian ngắn lại. Nếu tính riêng về năng lực chế biến, đóng gói thì Việt Nam đang đứng đầu. Các nước như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador sản lượng cao nhưng năng lực chế biên chưa bằng Việt Nam.

     Tuy nhiên, để đảm bảo tăng trưởng ổn định, các doanh nghiệp cần chú ý để vượt qua rào cản ở các thị trường như: vụ kiện chống bán phá giá tôm vào thị trường mỹ; qui định kiểm tra của Nhật Bản đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam,…Sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước sản xuất như Ecuador và Ấn Độ. Tại Ecuador chỉ có 250 nghìn ha nuôi tôm, nhưng sản lượng tương đương Việt Nam. Do đó, giá thành nuôi tôm của Ecuador chỉ bằng 1/2 – 1/3 của Việt Nam. Giá thành nuôi tôm của Ấn Độ cũng thấp hơn Việt Nam từ 20 – 30%, bởi tôm được thả với mật độ thấp chỉ từ 30 – 60 con/m2 nên môi trường ít bị ô nhiễm, tỷ lệ sống cao, giá nhân công thấp.

     Trong những năm qua, mặc dù tôm của Việt Nam có giá thành cao, nhưng vẫn xuất khẩu thành công do công nghệ chế biến tôm đứng đầu thế giới, với nhiều mặt hàng cao cấp, giá trị gia tăng cao, sản phẩm ăn liền. Tuy nhiên, lợi thế này nhiều khả năng sẽ không còn trong thời gian tới do các nước cung cấp tôm lớn khác cung đang có xu hướng nâng cao giá trị đối với các sản phẩm tôm xuất khẩu. Do đó, ngành tôm cần nghiên cứu thay đổi quy trình nuôi nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

Dự đoán sản lượng tôm toàn cầu

Sản lượng tôm toàn cầu năm 2021 dự kiến sẽ tăng 8,9% so với năm 2020, trong khi mức tăng trưởng được dự báo cho năm 2022 là hơn 5% cho thấy một triển vọng tích cực đối với ngành tôm trên toàn thế giới. Dự báo này được các tác giả của Khảo sát và Dự báo sản lượng Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu đưa ra, dựa trên thông tin ngành và kết quả của một cuộc sát do Liên minh Thủy sản Toàn cầu thực hiện và trình bày tại Hội nghị GOAL.

Sản lượng tôm toàn cầu năm 2010 – 2022

     Mức tăng trưởng sản lượng tôm của năm 2021 thậm chí được ghi nhận có thể lên tới 10%, nhờ kết quả hoạt động cuối năm mạnh mẽ từ Ecuador – một phần là do ngành tôm nước này phục hồi sau khi tăng trưởng bị kìm hãm trong những năm đầu đại dịch.

     Qui mô thị trường tôm toàn cầu được định giá 31,6 tỷ USD năm 2019 và ước tính đạt 54,6 tỷ USD năm 2027, tốc độ tăng trưởng CAGR (Compounded Annual Growth Rate – Tốc độ tăng trưởng hằng năm kép) là 9,2% từ năm 2021 – 2027.

     Sự tăng trưởng của thị trường tôm toàn cầu chủ yếu được thúc đây bởi sự gia tăng về nhu cầu của những người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe. Điều này được cho là vì tôm có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng chất béo thấp, không chứa carbs và ít calo.

     Một phương pháp sản xuất tôm mới đang được đưa ra vì sự bền vững hơn ở Mỹ, Thái Lan và các quốc gia khác, nơi nuôi tôm công nghiệp đang được phát triển mạnh, được gọi là phương pháp tiếp cận “ hệ thống khép kín”. Kỹ thuật này tái chế nước ao và loại bỏ các chất độc hại trong nước, có hại cho nuôi tôm. Do đó, việc tăng cường áp dụng các kỹ thuật sản xuất  thân thiện với môi trường mới được kỳ vọng sẽ làm tăng tốc độ tăng trưởng của thị trường.

Tuy nhiên, việc thiếu nguyên liệu thức ăn thủy sản sẽ là cản trở cho sự tăng trưởng cho thị trường tôm. Hơn nữa, chi phí vận hành sản xuất tôm cao cũng là một trong những yếu tố kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường toàn cầu.

Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Chuyên mục kỹ thuật – Bệnh phân trắng trên tôm nuôi và biện pháp phòng ngừa

Bệnh phân trắng xảy ra làm ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường nuôi cũng như chi phí vụ nuôi. Tôm thường phát bệnh sau 40 ngày nuôi làm giảm năng suất và sản lượng thu hoạch. Khi xảy ra bệnh người nuôi thường lựa chọn biện pháp thu sớm. Để hạn chế bệnh phân trắng xảy ra và có mùa vụ nuôi thành công người nuôi cần hiểu về Bệnh phân trắng từ đó có biện pháp phòng ngừa thích hợp.

  1. Nguyên nhân gây bệnh phân trắng
  • Bệnh phân trắng thường hay xuất hiện trong giai đoạn giao mùa giữa nắng nóng và trời mưa kéo dài nhiệt độ nước giảm làm ảnh hưởng đến sự bắt mồi và tiêu hóa của tôm nuôi.
  • Trong suốt quá trình nuôi, tôm ăn phải nguồn thức ăn kém chất lượng như: Ẩm mốc, quá hạn…
  • Chất lượng nước nuôi xấu do ao nuôi dư thừa vật chất hữu cơ; sự phát triển quá mức của tảo làm tôm nuôi ăn phải dẫn đến rối loạn quá trình tiêu hóa và hư đường ruột của tôm đặc biệt là tảo Lam, tảo Giáp. 

Hình 1: Mẫu Ruột tôm chứa nhiều tảo Lam khi quan sát dưới kính hiển vi và Chất lượng nước ao tôm do sự phát triển quá mức của tảo Lam (Nguồn: Sunjin Vina).

1. Dấu hiệu bệnh phân trắng

  • Quan sát biểu hiện bên ngoài thấy tôm màu tối sẫm, mềm vỏ hoặc nặng hơn thì ốp thân; Đường ruột tôm lỏng, đứt khúc hoặc trống đường ruột.
  • Quan sát trong sàng ăn thấy phân vụn nát, không đồng đều về màu sắc và kích cỡ; phân tôm có màu hơi vàng, trắng hoặc từng đoạn có màu trắng và vàng đan xen.
  • Quan sát ao tôm hướng cuối gió thấy có xuất hiện dải phân trắng lợn cợn trên mặt nước. 
  • Thông thường khi tiến hành kiểm tra mẫu nước và mẫu ruột tôm trên đĩa Chrom nếu ao nuôi có biểu hiện phân trắng người nuôi sẽ thấy sự phát triển mạnh mẽ của Vibrio vulnificus/ Vibrio cholera (khuẩn lạc màu xanh).

Hình 2: Quan sát thấy từng sợi phân trắng trong sàng ăn và sự phát triển  Vibrio vulnificus/ Vibrio cholera trên đĩa Chrom (Nguồn Sunjin Vina).

2. Biện pháp phòng ngừa

  • Về dinh dưỡng: Cần lựa chọn nhà cung cấp tin cậy, uy tín trên thị trường, không sử dụng thức ăn quá hạn; Thay đổi kích cỡ thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm; Thường xuyên bổ sung men vi sinh hỗ trợ đường ruột để tôm tiêu hóa và tăng trưởng tốt. Vào mùa lạnh nên bổ sung tỏi tươi xay nhuyễn 5g/1kg thức ăn để giữ ấm đường ruột và phòng trị phân trắng hiệu quả cho tôm nuôi.
  • Về chất lượng nước: Định kì người nuôi cần tiến hành diệt khuẩn ao nuôi 5-7 ngày/lần. Sau đó, tiến hành bổ sung men vi sinh có lợi để cải thiện chất lượng nước. Tùy điều kiện và chất lượng nước ao mà người nuôi cần xi phông bớt chất thải từ phân tôm và thức ăn dư thừa trong suốt quá trình nuôi (tôm sau 2 tháng tuổi) để tránh sinh ra khí độc và sự phát triển quá mức của tảo gây hại cho tôm nuôi.
  • Về các lưu ý khác: Cần cách ly tốt giữa các khu nuôi tránh lây lan khi ao nuôi có biểu hiện bệnh phân trắng. Lưu ý, vấn đề an toàn sinh học khi sử dụng và xử lí nguồn nước nếu phát hiện xung quanh có nguồn phân trắng tiềm ẩn. Định kì nên đánh giá chất lượng nước và tôm nuôi bằng cách kiểm tra bằng bộ test nhanh có sẵn trên thị trường hoặc liên hệ trung tâm phân tích uy tín để nắm bắt kịp thời các vấn đề chất lượng nước cũng như bệnh tôm nhằm đưa ra hướng xử lí tốt nhất.

Nguồn: Trung tâm Đổi mới Thủy sản – AIC – Sunjin Vina