Xuất khẩu tháng 10 cán mốc 1 tỷ
Sản lượng thủy sản tháng 10/2024 ước đạt 870,7 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá ước đạt 610,0 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm ước đạt 144,3 nghìn tấn, tăng 7,7%; thủy sản khác ước đạt 116,4 nghìn tấn, giảm 0,9%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 10 ước đạt 567,7 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 379,2 nghìn tấn, tăng 3,8%; tôm đạt 130,9 nghìn tấn, tăng 8,6%.
Nguồn: Báo cáo kinh tế- xã hội tháng 10 năm 2024
Sản lượng thủy sản 10 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023
Sản lượng tôm tháng 10 tăng so với cùng kỳ năm trước do giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng tăng nên người nuôi đã đẩy mạnh thu hoạch. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 97,5 nghìn tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước đạt 24,5 nghìn tấn, tăng 6,5%.
Nguồn: Sunjin Aqua – Marketing
Về xuất khẩu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) thông tin, xuất khẩu thủy sản tháng 10 đã tăng mạnh trở lại đạt mức 1 tỷ USD, một dấu mốc đáng mừng cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Lũy kế tới cuối tháng 10/2024, xuất khẩu thủy sản đạt 8,27 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng về xuất khẩu tôm, tính đến cuối tháng 10/2024, xuất khẩu tôm đã đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 13%. Theo chia sẻ của bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông VASEP, trong bối cảnh các thị trường chủ lực gia tăng mạnh mẽ nhu cầu nhập khẩu thủy sản, xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 10.
Nguồn ảnh: VASEP
Tháng 10, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trở lại mốc 1 tỷ USD
Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) bùng nổ với mức tăng 37%, khẳng định vị thế là thị trường lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong tháng. Các thị trường khác cũng không kém phần sôi động: Xuất khẩu sang Mỹ tăng 31%, Nhật Bản tăng 22%, EU tăng 27%, trong khi Hàn Quốc tăng khiêm tốn hơn với 13%. Tính đến cuối tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Mỹ đã chạm ngưỡng 1,5 tỷ USD. Đáng chú ý, xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) có khả năng vượt Mỹ trong những tháng cuối năm, nếu đà tăng trưởng 20% của 10 tháng qua được duy trì. Nếu tiếp tục giữ vững mức tăng này, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) có thể trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất thủy sản Việt Nam vào cuối năm 2024.
“Một tin vui cho ngành tôm Việt Nam là vào ngày 22/10/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ (CVD) cho tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam, trong đó, mức thuế suất cho tôm Việt Nam là 2,84%, thấp hơn đáng kể so với 4,36% của Ấn Độ và 7,55% của Ecuador. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ”.
Tuy nhiên, việc ông Donald trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, có thể tạo ra khá nhiều cơ hội lẫn thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới. Trước hết là Mỹ – Trung đang đối đầu thương mại, có thể xảy ra những thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng và nhập khẩu của Mỹ. Mỹ có thể giảm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt nam và ngược lại Trung Quốc cũng có thể giảm nguồn cung từ Mỹ. Vì Vậy, để tận dụng tối đa những cơ hội này, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần duy trì chất lượng sản phẩm cao, tăng cường chế biến sâu và khai thác các hiệp định thương mại tự do (FtA) để mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Về người nuôi tôm, do người tiêu dùng Mỹ và các nước trong khối EU ngày càng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội; nên người nuôi tôm cần áp dụng các phương pháp nuôi trồng bền vững, như nuôi tôm sạch, và nuôi trồng thủy sản theo các tiêu chuẩn quốc tế (globalgAP, ASc, MSc) để nâng cao uy tín và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Nhãn
Tin tức liên quan
24 tháng 01 2025
💥 TƯNG BỪNG ĐÓN XUÂN CÙNG HỆ THỐNG TRANG TRẠI SUNJIN VINA 💥
13 tháng 01 2025